Tăng cường kiểm soát các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử

Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây gia tăng tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác. Một số shop áp dụng hình thức kiểm tra hàng trước khi nhận nhưng lại cố ý bọc hàng thật kĩ bằng nhiều lớp giấy gói và băng dính khiến khách hàng ngại bóc. Hoặc khách đi vắng, ship lại gửi đồ ở đâu đó theo yêu cầu của khách, thành ra không kiểm hàng trước khi nhận.

Tăng cường kiểm soát các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử - Ảnh 1

Không những vậy, các chủ shop cũng có rất nhiều cách để đẩy tương tác của shop trong khi thực tế lượng tương tác chỉ chiếm một phần nhỏ. Bằng cách lập ra những trang Fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượng like, comment, đánh giá tốt cho rầm rộ tạo sự tin cậy cho người mua. Các sản phẩm được đăng bán đều có hình ảnh rất đẹp, giá tốt. Những trang này có điểm chung là sử dụng kỹ xảo mua lượt yêu thích Facebook ảo để tăng số lượng yêu thích trang lên hàng nghìn người, đánh vào tâm lý tin tưởng số đông. Đối với trường hợp hàng hoá kém chất lượng, người bán cố tình không để lại địa chỉ, số điện thoại, người mua chỉ giao dịch với shipper. Vì thế khi nhận hàng, nếu không kiểm tra thì khách sẽ không thể phản hồi được.

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Điển hình, là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook tại TP. Lào Cai đã được lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công và triệt phá thành công vào tháng 7/2020 với tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan QLTT cùng các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thành công.

Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực, tính đến tháng 10/2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng. 

Dự báo, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung, Bộ Công Thương cũng xác định nhiệm vụ chính của QLTT trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chứ không còn chỉ là việc đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị như: Tổng cục quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với các lực lượng như Công an, Hải quan, Thuế ... ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững. 

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng...

Bảo An (t/h)