Tăng cường trồng lúa chất lượng cao gia tăng giá trị sản phẩm

Vừa qua, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm nay đạt hơn 4,7 triệu tấn, tương đương hơn 2,3 tỉ USD; tăng 20,7% về số lượng và 9,89% về giá trị. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 486,49 USD/tấn, giảm 47,86 USD/tấn. Dự báo, năm 2022, cả nước xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo, tăng 100.000-200.000 tấn so với năm 2021.

Trong 8 tháng đầu năm, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo đứng đầu của Việt Nam với 2,4 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các giống lúa thơm, chất lượng cao. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với nhu cầu lớn về các giống ST.

Tăng cường trồng lúa chất lượng cao gia tăng giá trị sản phẩm - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh lưu ý trong vụ đông xuân 2022-2023, nông dân đồng bằng sông Cửu Long cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích hơn 400 ha ở các tỉnh ven biển để tránh hạn mặn. Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân đẩy mạnh gieo trồng những giống gạo thơm, chất lượng cao, như: OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8, OM 6967, OM 4900... 

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước, vì thế các mô hình trồng lúa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành lúa, gạo của cả nước. Hiện có khá nhiều các mô hình trồng lúa tại nơi đây, với điển hình là sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tại đồng bằng sông Cửu Long vụ mùa Đông – Xuân diện tích trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn là 160.000 ha, giảm 20.000 ha so với  cùng kỳ vụ Đông - Xuân 2020-2021. Lý do một phần là bởi có nhiều vùng sản xuất chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, nên một số nơi còn e dè chưa tham gia.

Hoàng Anh (t/h)

Từ khóa: