Theo đó, Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nhất là tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ diễn ra vào tháng 2 và tháng 9, tháng 10 vừa qua. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã phải tăng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Từ 1-15/11, cả nước nhập khẩu 380.877 tấn xăng dầu các loại (gồm xăng, mazut, diesel, nhiên liệu bay), tổng kim ngạch đạt 360,6 triệu USD. So với nửa cuối tháng 10-2022 lượng xăng dầu nhập khẩu tăng 21,81%, tương đương tăng 68.202 tấn.
Trong đó, riêng mặt hàng xăng có lượng nhập khẩu tăng trưởng đến 3 con số với 177.970 tấn, kim ngạch 157,35 triệu USD, gấp 3 lần về lượng và gần 3,32 lần về kim ngạch so với nửa cuối tháng trước đó.
Để khắc phục những hạn chế trong quy định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định về kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo thị trường xăng dầu phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp...
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.