Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội

Trong bối cảnh giá nhà ở ngày càng tăng cao, việc tiếp cận nhà ở xã hội (NOXH) trở thành một vấn đề cấp bách đối với người lao động có thu nhập thấp. Để giúp người lao động có cơ hội sở hữu chỗ ở ổn định, các chính sách và biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh và đồng bộ hóa.

Hiện nay, với mức thu nhập hạn chế, nhiều người lao động gặp khó khăn lớn trong việc sở hữu nhà ở tại các đô thị. Giá đất và vật liệu xây dựng tăng nhanh, cùng với quá trình đô thị hóa, đã đẩy giá nhà vượt xa khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp. Nhà ở xã hội, mặc dù có mức giá thấp hơn so với nhà ở thương mại, nhưng vẫn chưa thực sự dễ dàng để tiếp cận do hạn chế về số lượng dự án và thủ tục phức tạp.

Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội.  
Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội.  

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nhà ở thương mại cả nước có 126 dự án mới với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021). Đối với dự án NOXH, cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành.

Nhu cầu NOXH trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch. Còn tại TP.HCM, giai đoạn 2015-2020, thành phố thực hiện được 15.000 căn hộ NOXH nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của công nhân lao động và người nhập cư. Con số này chỉ bằng số lượng căn hộ thương mại hạng C trong 1 năm được đưa ra thị trường giai đoạn 2016-2018.

Năm 2022, TP.HCM có kế hoạch triển khai xây dựng 10 dự án với 6.751 căn hộ, nhưng chỉ hoàn thành được một dự án với 260 căn. Trong khi đó, có đến 9 dự án, với quy mô khoảng 6.500 căn hộ vẫn đang còn dang dở.

Để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận NOXH, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thủ tục cấp phép xây dựng và giảm thiểu các yêu cầu phức tạp trong hồ sơ mua nhà. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép và ưu tiên cho các dự án NOXH tại những khu vực có nhu cầu lớn. Việc công khai thông tin về các dự án NOXH, tiêu chí và quy trình đăng ký cũng giúp người lao động dễ dàng tiếp cận hơn, tránh tình trạng thông tin không minh bạch.

Theo quy định hiện hành, một trong các điều kiện để hưởng chính sách về NƠXH là mọi thành viên trong gia đình thu nhập phải thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1.8, NLĐ có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua NƠXH (tăng thêm 4 triệu đồng so với hiện tại). Với trường hợp đã kết hôn, điều kiện thuê, mua loại nhà này là vợ chồng có thu nhập tối đa 30 triệu đồng một tháng.Thời gian xác định thu nhập là trong 1 năm liền kề, tính từ lúc nộp hồ sơ đăng ký. Tiêu chí này cũng đơn giản hơn khi thời gian xét thu nhập trước đây là 3 năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều quy định mới trong Nghị định này đã có tính đột phá, nhất là việc nới điều kiện về thu nhập của 1 cá nhân lên con số 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với 2 vợ chồng. Đây là cách tiếp cận rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội hiện tại, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, theo sát các chính sách nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới là tính tổng thu nhập của hộ gia đình thay vì chỉ tính riêng cá nhân.

Bên cạnh đó, quy định trong Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã cải cách thủ tục hành chính trong mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội; cũng như đơn giản các thủ tục trong xác định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm khối lượng công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng có liên quan.

Tiến Hoàng