Tập đoàn An Gia: 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng đột biến

Tập đoàn An Gia ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến, nhưng chủ yếu từ doanh thu bán hàng tại các dự án bất động sản đang thế chấp ở ngân hàng.

Đợt dịch Covid-19 lần 4 càn quét nặng nề đến TP.HCM và các tỉnh lân cận khiến thị trường bất động sản cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng. Dù vậy nhưng Tập đoàn An Gia vẫn ghi nhận doanh thu tăng đột biến, chủ yếu từ việc bán những dự án đang cầm cố tại ngân hàng.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021, Tâp đoàn An Gia (MCK: AGG) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 603,1 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm 2020 (đạt hơn 60,1 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 195,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt hơn 189,6 tỷ đồng).

Cũng theo báo cáo, tính đến 30/06/2021 công ty này còn có hơn 3.166 tỷ đồng từ việc người mua trả tiền trước, tăng 24% so với thời điếm 31/12/2020. Đây là khoản tiền khách hàng trả trước, đặt cọc mua sản phẩm dự án bất động sản và sẽ được ghi nhận thành doanh thu, lợi nhuận khi hoàn thành bàn giao.

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của An Gia đạt hơn 11.926 tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm 31/12/2020 (đạt hơn 9.753 tỷ đồng). Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ các dự án bất động sản dở dang ước tính đạt hơn 7.032 tỷ đồng, tăng 23%.

Giải trình về biến động kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn An Gia cho biết, lợi nhuận tăng cao chủ yếu ghi nhận từ hoạt động bán hàng tại các dự án bất động sản, trong đó có việc bàn giao dự án River Panorama tại quận 7, TP.HCM.

Bên cạnh đó, tại dự án River Panorama đã được Tập đoàn An Gia bàn giao cho khách hàng. Nhưng hiện nay, dự án vẫn đang bị công ty cầm cố tại ngân hàng, gây nên nhiều nguy cơ rủi ro về phía khách hàng.

Tập đoàn An Gia: 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng đột biến - Ảnh 1 Không chỉ tại dự án trên mà hiện nay rất nhiều các dự án của Tập đoàn An Gia vẫn đang thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, các dự án Sky 89, dự án River Panorama 1 và dự án River Panorama 2 tại quận 7, TP.HCM đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 11 TP.HCM (Vietinbank). Còn dự án The Standard tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng đang bị thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank).

Các dự án như The Sóng, tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank); dự án West Gate, tại huyện Bình Chánh, TP.HCM được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật nhà ở 2014 về Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

Ngoài ra, nếu người mua nhà không quy định các điều khoản về việc phạt vi phạm hay về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phía chủ đầu tư không giải chấp khoản vay, bàn giao nhà đúng hạn hay không làm được thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo đúng thoả thuận ban đầu thì người mua nhà sẽ không được bồi thường cũng như không được đơn phương chấm dứt hợp đồng để lấy lại được khoản tiền, không thể thực hiện được việc vay vốn, thế chấp căn nhà và cũng không chuyển nhượng được cho người khác hoặc chỉ chuyển nhượng lại được cho chủ đầu tư dẫn đến quyền và lợi ích bị ảnh hưởng.