Tập đoàn Masan (MSN): Mảng tiêu dùng chậm lại và chi phí tài chính tăng mạnh

Theo BVSC, CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) ghi nhận tăng trưởng giảm tốc nhanh trong quý III/2022 chủ yếu do mảng tiêu dùng chậm lại và chi phí tài chính tăng mạnh. Trong 9 tháng 2022, MSN ghi nhận doanh thu thuần 55,6 ngàn tỷ đồng (giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 3,1 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 46,8%) thấp hơn nhiều so với kỳ vọng hồi đầu năm của BVSC.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Tập đoàn Masan (MSN), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, năm 2022, BVSC dự báo doanh thu đạt 78,2 ngàn tỷ (giảm 11,8% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 3,4 ngàn tỷ (giảm 60,4%). Năm 2023, BVSC dự báo doanh thu đạt 89,3 ngàn tỷ (tăng 14,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 3,9 ngàn tỷ (tăng trưởng 14,5%). EPS 2022 – 2023 lần lượt là 2.385 và 2.731 đồng/cp, tương với P/E dự phóng 39,8x và 34,8x

BVSC vẫn lạc quan về câu chuyện ngành Tiêu dùng của MSN, đó là phục vụ các nhu cầu chưa được khai phá hoặc chưa được đáp ứng đúng mức của người tiêu dùng thế hệ mới. Đó là sự bùng nổ của đa dạng hoá, tiện lợi hoá, cao cấp hoá sản phẩm; sự quan tâm ngày một nhiều đến các vấn đề về chất lượng, an toàn sức khoẻ; sự chuyển dịch hành vi mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại và đa kênh...

Tuy nhiên trong ngắn hạn, BVSC cho rằng chiến lược này sẽ gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích luỹ giảm mạnh.

BVSC đưa ra giá mục tiêu 116.000 đồng/cp và khuyến nghị OUTPERFORM đối với MSN, trong đó BVSC có tăng chiết khấu định giá SoTP từ 5% lên 15% để phản ánh độ nhạy của những cổ phiếu tăng trưởng (P/E cao) với môi trường lãi suất tăng và những khó khăn/rủi ro kinh doanh trong 6 – 12 tháng tới.