Tập huấn kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật thuộc Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin

Chiều ngày 23/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các sở thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương để triển khai Dự án 6 - Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 28/7/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. 

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Để đồng bộ cũng như kịp thời triển khai thực hiện Quyết định này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và hạn chế tái nghèo. 

Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, các xã ngang ven biển, hải đảo thoát khỏi tình trạng đói nghèo, khó khăn. 

Triển khai các văn bản của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành  Quyết định số 1789/QĐ-BTTTT ngày 26/9/2022 về Kế hoạch Tập huấn nâng cao nâng kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương về triển khai Đề án 6 là 1 Tiểu dự án trong Dự án giảm nghèo thuộc chương trình quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. 

Để triển khai Tiểu dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chương trình phối hợp Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội, Ủy dân tộc, một số cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương truyền thông cho Đề án. 

Ông Hồ Hồng Hải cho biết, theo chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Dự án giảm nghèo về thông tin. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong vấn đề thúc đẩy đưa những thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về thông tin nhằm giảm khoảng cách tiếp cận về thông tin. 

Tại Hội nghị này, Ban Tổ chức mời các giảng viên nhằm cung cấp cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên hai nội dung chính gồm: Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới; và kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

“Ban tổ chức mong muốn các phóng viên, biên tập viên sẽ sát cánh cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền, truyền thông về công tác xóa đói, giảm nghèo cũng như thực hiện mục tiêu chương trình theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.

Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc báo cáo tại Hội nghị
Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo chuyên đề “Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới", ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, kinh tế - xã hội của nhiều dân tộc thiểu số phát triển không đồng đều và còn nhiều khó khăn. 

Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, xã hội, sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc là khá phổ biến ở các quốc gia đa dân tộc trong đó có Việt Nam. 

Theo ông Phạm Chí Trung, sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Tuy nhiên, khoảng cách phát triển, mức sống giữa các dân tộc thiểu số, giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số và giữa các vùng miền vẫn có xu hướng ngày càng chênh lệch.

Trong 53 dân tộc thiểu số hiện nay, có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù. Do đó, khắc phục sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của chính sách dân tộc ở Việt Nam trong thời gian tới.

Thư Trà