Được biết người Mông, có rất nhiều loại nhạc cụ phong phú, có âm thanh, cách thổi và chức năng khác nhau… Nếu như khèn là loại nhạc cụ thổi chủ yếu trong các phong tục, tín ngưỡng thì sáo hay đàn môi lại là những loại nhạc cụ được sử dụng chủ yếu để giải trí, bộc bạch cảm xúc, yêu đương, thương nhớ của các chàng trai, cô gái Mông độ xuân thì.
Qua tìm hiểu đàn môi hay còn gọi là kèn môi- tiếng Mông gọi là “nha” là loại nhạc cụ có từ lâu đời của dân tộc Mông, được làm từ một mảnh lá đồng nhỏ, vừa giòn lại vừa dai, dài khoảng 5 - 7cm, có hình dạng giống hình lá lúa, một đầu cuốn lại hoặc đánh dẹt làm tay cầm, một đầu nhọn để gảy, ở chính giữa là một cái lưỡi gà dùng để thổi. Thoạt nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác ra chúng là cả sự kỳ công của người thợ và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.
Để tìm hiểu rõ hơn về đàn môi, chúng tôi về với bản Tà Phềnh, xã Tân Lập (Mộc Châu), bản có gần 280 hộ dân với hơn 90% là người dân tộc Mông. Được biết bản còn nhiều người biết chế tác và thổi được thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc Mông. Trong ngôi nhà gỗ truyền thống khang trang, ông Vàng A Chư người chế tác nhạc cụ dân tộc Mông cho biết: Để chế tác đàn môi, khâu khó nhất là việc tạo lưỡi gà, bởi lưỡi gà sẽ quyết định âm thanh độ chuẩn của đàn môi, phải đập phần này làm sao cho thật mỏng, để khi gảy độ đàn hồi của âm thanh, tiếng đàn phát ra mới trong, nhẹ nhàng.
Trước đây, đàn môi thường được các chàng trai hay cô gái Mông thổi vào những dịp tết hay các lễ hội để gửi gắn tình yêu, tình thương đến người mình thích. Một người thanh niên Mông khi trưởng thành, đi tìm người bạn đời thường phải biết thổi các loại nhạc cụ như: Sáo, đàn môi… để thể hiện tài nang, cũng như khi tỏ tình với người mình yêu. Khi đi chơi tết, gặp được người con gái mình thích mà chưa thể thổ lộ được tình cảm của mình, lúc đêm xuống các chàng trai tìm đến nhà cô gái đứng bên ngoài bức vách của những ngôi nhà gỗ truyền thống, mượn tiếng đàn môi để bày tỏ nỗi lòng với người con gái mình yêu mến.
Nếu người cô gái biết nghe hay thổi được đàn môi, thì họ cũng sẽ thổi đáp lại hoặc họ sẽ ra ngoài để tìm hiểu xem chàng trai đó là ai, có phải người mình có thích hay không. Bà Lý Thị Sua, năm nay gần 70 tuổi nhưng bà vẫn còn rất mê thổi đàn môi, bà luôn mang bên mình chiếc đàn môi từ thời con gái, khi về già bà thường dạy và hướng dẫn cho con cháu cách thổi, chia sẻ kinh nghiệm lâu năm của mình bà Sua cho hay: Để thổi đàn môi, quan trọng nhất là phải biết giữ hơi, khi đặt chiếc đàn môi lên môi thổi nhẹ, sau đó dùng ngón tay trỏ gảy trên đầu lưỡi của đàn và di chuyển qua lại giữa hai hàm răng, trong khi cổ họng phát ra các âm mình muốn gửi gắn tâm sự.
Cùng với đó, để bảo quản đàn môi, người ta làm một cái ống nứa để đựng đàn môi vào, ống nứa cũng có tác dụng giữ cho âm sắc của đàn môi không thay đổi, cũng như thuận tiện đút vào túi áo, túy quần mà không sợ bị hư hỏng. Đưa đàn môi lên miệng thổi, bà nhẹ nhà dùng tay phải gảy lên những âm thanh rủ rỉ, không chỉ chúng tôi mà còn thu hút khá đông trẻ con đến xem và nghe. Tôi chợt nhớ lại một đoạn bài thơ Mông nói về đàn môi: Đàn môi gảy lên/ Cho em ca hát/ Vừa đúng mùa gặt/ Em càng thêm xinh/ Đôi mắt thêm tình/ Lưỡi liềm thêm sắc/ Anh đàn em hát/Ta cùng yêu nhau.
Đứng cạnh bà Sua, say sưa nghe bà kể chuyện, em Thào Thị Chang Mỷ, hào hứng: Em rất thích nghe bà thổi đàn môi, được bà hướng dẫn thổi Mỷ đã thổi được nhiều bài hát bằng tiếng Mông. Trong bộ trang phục sặc sỡ, với âm thanh của những đồng tiền được gắn trên những bộ trang phục, Mỷ đang chuẩn bị đi chơi Tết nhưng không quên mang chiếc đàn môi bên mình. Em chia sẻ: Em rất thích nhạc cụ dân tộc mình, bởi khi thổi mang lại nhiều cảm xúc, em rất mong muốn các bạn trẻ tìm hiểu để thổi các loại nhạc cụ và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm kiếm một giai điệu hay nghe âm thanh của đàn môi trên các trang mạng Internet, vì thế mà khi đến các bản Mông chúng ta ít còn được nghe thấy tiếng đàn môi dật dùi mỗi tối như trước đây. Song để giữ gìn các dòng nhạc cụ dân tộc Mông và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc, rất mong các cấp, các ngành có những chính sách quan tâm, thu hút các thế hệ trẻ say mê nhạc cụ dân tộc, góp phần giữ gìn và xây dựng bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng tốt đẹp.
Nam Trứ/ Văn phòng Tây Bắc