Hoàng Văn Tuấn sinh năm 1993 ở làng nghề chè thuộc xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Dù quê hương và gia đình có truyền thống làm chè, nhưng bố mẹ Tuấn lại không muốn con trai nối nghiệp gia đình mà hy vọng con được ra ngoài, làm một công việc nhàn hạ hơn.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, Tuấn đã có nguyện vọng được ở nhà theo nghề truyền thống nhưng để chiều lòng bố mẹ, Tuấn cố gắng lấy bằng Thạc sĩ, làm một công việc ổn định, vừa làm vừa kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ… Sau nhiều cố gắng, chàng Thạc sĩ cũng có được sự đồng ý để sống với niềm đam mê của một người nông dân.
Với quyết tâm và ước mơ sẽ làm ra những sản phẩm mang thương hiệu trà hữu cơ sạch Thái Nguyên. Tuấn không chỉ học theo chỉ dạy của bố mẹ mà còn tham khảo, áp dụng nhiều kiến thức qua sách vở, kinh nghiệm từ nhiều nguồn về cách làm trà, kỹ thuật chăm sóc… không cần dùng tới phân bón hóa học, hay thuốc trừ sâu.
Chia sẻ về quy trình sản xuất trà hữu cơ sạch, anh Tuấn cho biết: “Quy trình sản xuất của gia đình tôi hoàn toàn khép kín, từ khâu trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VN 11041-2:2017 không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, không sử dụng chất tạo hương, tạo màu, chất bảo quản cho sản phẩm trà khi được tiêu thụ ra thị trường tới tay người tiêu dùng.
Sản phẩm trà được thu hái tỉ mỉ, khéo léo bởi bàn tay của những cô gái người dân tộc Tày, H'Mông mỗi buổi sương sớm ban mai... Sau đó, trà sau chế biến và đóng gói hút chân không rất đẹp, sang trọng và lưu giữ nguyên vẹn hương vị tự nhiên vốn có của trà.
Về quy trình thu hái, anh Tuấn cho biết: Trà búp tiêu chí được hái 1 tôm 2 lá; trà nõn tiêu chí 1 tôm 1 lá; trà đinh tiêu chí 1 đinh. Đối với công đoạn chế biến trà phải thật tỉ mỉ, bởi tay nghệ nhân trà trên 40 năm kinh nghiệm từ khâu sao sấy, vò xoăn cánh trà phải được đảm bảo, những thiết bị bằng inox cũng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối. Hiện nay, tại nông vườn sản xuất vùng nguyên liệu trà của cơ sở gia đình với những giống trà chính như: Trung du, chè cành lai F1, TRi 777... là chính.
Đặc biệt, trong những năm gần đây UBND huyện Phú Lương, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông rất quan tâm, triển khai các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trồng chăm sóc, chế biến, đóng gói trà, đặc biệt là hỗ trợ các điều kiện cần để tiến tới sản phẩm OCOP. Trong đó, về lãnh đạo địa phương xã Phú Đô cũng như cán bộ nông nghiệp, khuyến nông xã cũng rất quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật đặc biệt trong việc sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc.
“Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu mua sắm online đã trở nên phổ biến, cùng với sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng thì sản phẩm trà hữu cơ của cơ sở sản xuất chè an toàn gia đình tôi đã tận dụng tốt thời cơ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chính điều này, đã thúc đẩy cơ hội bán hàng online lên ngôi trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Sơn Thủy