Số mã vùng trồng được cấp hiện nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Các tổ chức, cá nhân được cấp mã vùng trồng tiếp tục duy trì và tuân thủ quy định.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã vùng trồng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hành nông nghiệp sạch, an toàn là yêu cầu bắt buộc để nông sản cạnh tranh trên thị trường, ngành chè cũng không nằm ngoài yêu cầu tất yếu này. Những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, UTZ, hữu cơ được áp dụng rộng rãi, cùng với nỗ lực của người dân làm chè đã mang tới thị trường sản phẩm trà sạch. Bên cạnh quy trình sản xuất sạch, chứng nhận mã số vùng trồng vừa được cấp tới các hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh trà trên địa bàn toàn tỉnh được xem như là “tấm hộ chiếu” bảo hộ ngành chè hướng tới thị trường xuất khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng được công nhận mới được phép xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Mỗi mã số vùng trồng được cấp theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản phải được sản xuất theo quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay gần 1,000 ha chủ yếu là cây chè của tỉnh Thái Nguyên được cấp chứng nhận mã số vùng trồng sẽ là “Tấm hộ chiếu vàng” cho hành trình đưa sản phẩm trà Thái Nguyên tới thị trường quốc tế đã được trao tới tay người sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà. Việc quan trọng hơn lúc này là phải duy trì nghiêm túc những quy định và phát huy giá trị của chứng nhận mã số vùng trồng trong nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm trà thông qua thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Hoàng Tuấn