Thái Nguyên: Chè Phú Lương từng bước khẳng định thương hiệu

Huyện Phú Lương nằm ở cửa ngõ phía bắc, là vùng chè nguyên liệu nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Đã từ lâu, trà Phú Lương Thái Nguyên được coi là đặc sản bởi hương vị thơm tự nhiên, có vị chát nhẹ khi mới uống, nhưng sau khi uống xong thì thấy ngọt hậu lắng sâu trong vị giác, màu nước xanh như nguồn nước của Sông Cầu, ngấm qua các mạch ngầm tưới mát cho những vườn chè xanh tươi tốt quanh năm.

Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Xác định cây chè là cây trồng chủ lực

Với trên 4.130ha chè, huyện Phú Lương là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai của tỉnh. Phát huy thế mạnh này, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu chè Phú Lương, nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Cụ thể hoá nội dung Nghị quyết, địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là sản phẩm chè ngày càng được nâng cao về chất lượng và giá trị, thương hiệu chè Phú Lương dần trở thành cái tên quen thuộc với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Giai đoạn 2021-2023, tổng kinh phí hỗ trợ sản phẩm chè trên địa bàn huyện là hơn 18,4 tỷ đồng. Trong đó, ngoài kinh phí từ các sở, ngành và nhân dân đối ứng, kinh phí của huyện cân đối đầu tư là gần 7 tỷ đồng.

Lãnh đạo Huyện Phú Lương thăm khu vực trồng chè tại xóm Minh Hợp xã Tức Tranh.
Lãnh đạo Huyện Phú Lương thăm khu vực trồng chè tại xóm Minh Hợp xã Tức Tranh.

Huyện Phú Lương cũng phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân ở các xã, thị trấn. Nhờ vậy, diện tích chè của địa phương ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện đạt trên 4.136ha (tăng 46ha so với năm 2019). Trong đó, diện tích chè áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ là trên 3.000ha; diện tích được cấp chứng nhận mới, chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAP luỹ kế đến năm 2023 đạt trên 1.127ha (vượt mục tiêu của Đề án 437ha).

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, huyện cũng chú trọng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Bởi vậy, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến trên địa bàn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay, toàn huyện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, 25 HTX, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Một số HTX đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên địa bàn, như: HTX chè Khe Cốc, xã Tức Tranh; HTX chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh…

Chè Phú Lương chắp cánh quảng bá thương hiệu

Trong đó, để duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Chè Phú Lương", nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, hàng năm, huyện đều hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm tổ chức ở trong và ngoài tỉnh, mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại một số siêu thị.

Đáng chú ý, nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá và tôn vinh giá trị cây chè, cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển thương hiệu chè địa phương, huyện Phú Lương đã tổ chức thành công một số lễ hội vinh danh các làng nghề chè gắn với quảng bá một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Một số xã như Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô... cũng có nhiều sáng tạo trong hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chè, thông qua việc tổ chức ngày hội văn hoá chè và giới thiệu các sản phẩm tiềm năng.

Thái Nguyên: Chè Phú Lương từng bước khẳng định thương hiệu - Ảnh 1
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Ngày Hội.
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Ngày Hội văn hóa Trà và giới thiệu các sản phẩm tiềm năng xã Phú Đô.

Giai đoạn 2021-2023, huyện Phú Lương đã hỗ trợ 7 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn (2 điểm cấp huyện, 5 điểm cấp xã); hỗ trợ 10 tủ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cho các HTX có sản phẩm OCOP đặt tại điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại trụ sở UBND huyện, xã...

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Thời gian qua, có 12 sản phẩm chè đạt OCOP của huyện Phú Lương đã được giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Lazada, Shopee, Postmart... mang lại hiệu quả nhất định.

Từ những nỗ lực trên, sản lượng chè của huyện Phú Lương 3 năm qua đạt bình quân trên 45.200 tấn/năm (vượt 600 tấn so với chỉ tiêu Nghị quyết). Giá trị sản xuất chè ước đạt trên 1.265 tỷ đồng, doanh thu bình quân 310-330 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 111 sản phẩm được dán tem QR Code (vượt 101 sản phẩm so với kế hoạch); 16 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP 3 sao (trong đó có 12 sản phẩm chè)...đây là tiền đề để địa phương tiếp tục phát triển cây chè và đa dạng hóa sản phẩm từ chè, đưa thương hiệu chè Phú Lương ngày càng vươn xa trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chè trên địa bàn huyện còn hạn chế và mới chỉ tập trung ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh. Chính vì thế, so với các vùng chè khác trên địa bàn tỉnh thì thương hiệu chè Phú Lương vẫn còn chưa được nhiều người biết đến.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng 4 xã phía Đông (gồm: Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô) trở thành vùng nguyên liệu chè đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap. Thêm vào đó, để góp phần xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu Chè Phú Lương, bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức các ngày hội, hội chợ để xúc tiến thương mại, huyện sẽ xây dựng các làng nghề chè truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chè kết hợp với duy trì và phát huy nét văn hoá dân tộc của địa phương để tiến tới áp dụng hình thức quảng bá thương hiệu gắn với du lịch cộng đồng…

PHI LONG/VPTB