Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên.
Theo đó, TP. Thái Nguyên có các sản phẩm: Chè tôm nõn của Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, xã Tân Cương; Trà đinh ướp sen ngọc Tỉnh Liên của Công ty TNHH Tân Cương, xã Tân Cương; Trà tôm nõn và trà đinh của HTX chè Thái Sơn, xã Sơn Cẩm; Độc đáo trà ướp hoa của HTX trà Sơn Dung, phường Quang Trung; Lộc đinh trà của HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu.
Huyện Đồng Hỷ có sản phẩm Tuyết Hương trà của HTX Tuyết Hương, xã Hóa Trung; Chè Thịnh An tôm nõn của HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu và Giọt ngọc trà của HTX chè an toàn Nguyên Việt, xã Minh lập.
TP. Phổ Yên có sản phẩm Tâm trà của Công ty CP Trà Việt Thái, xã Phúc Thuận.
Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị, tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường... Các sản phẩm được bình chọn này đều đáp ứng những yếu tố: Quy mô sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường; tính văn hóa, thẩm mỹ của sản phẩm; các chứng nhận liên quan về chất lượng sản phẩm...
UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên rất quan tâm và phát triển cây chè - cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, nông dân nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn tỉnh có 23.500ha chè, 85% diện tích chè giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.
Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch; tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, giao dịch điện tử để tiêu thụ chè.
Được biết, tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh được tham gia các cuộc hội nghị giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, triển khai mạnh công tác quản lý sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đối với sản phẩm chè trên thị trường.
Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để đa dạng hóa các sản phẩm chè, từ đó đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mỗi nước.
Tiến Hoàng