Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, tại địa phương hiện nay vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn cao do tiếp giáp với một số tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp và trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút khá đông người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. Chính vì vậy, việc xây dựng các phương án nhằm chủ động phòng, chống dịch được tỉnh chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương.
Ổn định hàng tuyến chống dịch
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), từng địa phương đã đưa ra các kịch bản “giả định” cụ thể để có phương án ứng phó kịp thời đối với từng cấp độ dịch. Theo đó, 9 huyện, thành, thị đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch để chỉ đạo, điều hành công tác này; thành lập các tổ giúp việc, đội phản ứng nhanh; xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…
Với gần 500.000 nhân khẩu, T.P Thái Nguyên có dân số đông gấp nhiều lần so với các địa phương khác trong tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn nếu dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn, nhất là khi có ca nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, T.P Thái Nguyên đã xây dựng các phương án cụ thể khi có dịch ở các cấp độ từ 1 đến 5.
Đặc biệt, thành phố đã có kế hoạch bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch cấp độ 5, đồng thời tính toán phương án khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu. Cụ thể, bảo đảm cung ứng trước mắt đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn trong vòng 30 ngày trong trường hợp toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, với gần 3.500 tấn lương thực; 1.200 tấn thịt gia súc; trên 1.000 tấn thịt gia cầm; 6.700 tấn rau, củ, quả các loại…
Tương tự, các địa phương khác trong tỉnh cũng tích cực xây dựng các phương án phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp. Đối với T.P Sông Công và T.X Phổ Yên, do 2 địa phương này đều có nhiều khu, cụm công nghiệp nên công tác chuẩn bị về nhân lực, vật lực rất được chú trọng. T.P Sông Công đã đề nghị các cơ sở y tế (Bệnh viện C, Trung tâm Y tế thành phố) mỗi đơn vị thành lập từ 2-3 đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động, tại các trạm y tế xã, phường thành lập tổ cơ động chống dịch; chỉ đạo các xã, phường rà soát, bổ sung nhân lực cho tổ COVID-19 cộng đồng tại các xóm, tổ dân phố; xây dựng các khu cách ly tập trung với quy mô khoảng 6.000 người (tại 3 địa điểm: Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp).
Về phương tiện tại chỗ, thành phố xây dựng phương án huy động 5 xe cứu thương; trên 200 xe tải, 20 xe khách (từ 28-45 chỗ) của các cá nhân, doanh nghiệp trên bàn thành phố để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, vận chuyển người, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch khi cần thiết. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bảo đảm việc sản xuất không bị gián đoạn.
Ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: “TX Phổ Yên đã yêu cầu ký cam kết lại 100% các hộ dân trên địa bàn tuân thủ quy đinh 5K và đặc biệt có sự phát hiện, tố giác những trường hợp cố tình di chuyển về địa phương mà không khai báo hoặc có hoạt động trên địa bàn”.
Hiện nay, cùng với cả nước, Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng các phương án, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân khi tình hình dịch có những diễn biến mới.
Doanh nghiệp chủ động thích nghi với “trạng thái mới”
Gần 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra những cuộc khủng hoảng phi truyền thống có quy mô lớn, nhiều chuỗi liên kết bị đứt gẫy… Nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chè từ đầu năm đến nay, đã gần như bị đóng băng. Hiện, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phải nỗ lực vượt khó, tìm ra hướng đi mới nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Dịch bệnh COVID-19 từng bước được khống chế, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng cũng đã giúp cho hệ thống cửa hàng kinh doanh chăn ga gối đệm của nhà phân phối Uân Nga hoạt động bình thường trở lại. Hơn 60 người lao động duy trì được công việc ổn định với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị này kỳ vọng rất lớn vào những tháng cuối năm vốn là mùa cao điểm tiêu thụ những mặt hàng chăn ga gối đệm:
Ông Phan Văn Uân, Nhà phân phối Uân Nga, Thái Nguyên cho biết: “Nhà phân phối có kế hoạch nhập hàng từ những năm trước và có kế hoạch lâu dài. Hàng trong kho dự trữ đầy đủ. Ưu tiên cho khách hàng, đại lý vẫn được mua giá cũ. Thời gian này khi ổn định thị trường chúng tôi triển khai đi thăm hỏi khách hàng để phát triển thị trường".
Đại diện Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội (đứng chân trên địa bàn phường Cải Đan, T.P Sông Công) cho biết: Công ty áp dụng sản xuất tại chỗ, nới rộng khoảng cách làm việc và yêu cầu người lao động thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Tại khu vực nhà ăn, Công ty cũng làm các vách ngăn nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.
Công ty Cổ phần Chè Hà Thái là 1 trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè lớn của Thái Nguyên. Hàng năm, doanh thu của đơn vị có đến 80% thu về từ thị trường xuất khẩu, chỉ có 20% nội tiêu. Song, do dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của đơn vị gần như đóng băng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thái cho hay: "Chúng tôi vẫn phải tiếp tục phát triển sản xuất, chăm sóc, thu hái, nhưng lại không thể xuất khẩu được, cước vận tải tăng cao. Đây cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp sản xuất chè nói riêng".
Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là trước những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè đang phải đối mặt, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực tìm ra những hướng đi mới nhằm ổn định sản xuất, nhất là tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi kết nối với rất nhiều tổ chức, đơn vị, các cơ quan quản lý Nhà nước, tìm hiểu giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay; kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sàn giao dịch điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản; được sự giúp đỡ, kết nối của Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi được tiếp cận với một số trang thương mại điện tử quốc tế. Sau khi tìm hiểu chúng tôi chọn trang thương mại điện tử Alibaba.com. Chúng tôi đã thành lập nhóm tiêu thụ sản phẩm và kết nối với Alibaba để đăng ký 1 gian hàng thương mại điện tử trên Alibaba.com, các đơn vị cũng rất phấn khởi. Chúng tôi làm thí điểm; nếu thành công sẽ mở 1 nhóm nữa bởi vì mỗi nhóm không được quá 6 đơn vị".
“Tạm dừng nghỉ” thị trường xuất khẩu không có nghĩa là doanh nghiệp ngừng hoạt động, đây được xem là quãng thời gian để các doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi ổn định thị trường sẽ bứt phá với những mục tiêu mới hứa hẹn mang lại sự đột phá đối với xuất khẩu ngành chè – để giá trị đóng góp của ngành chè.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.