Thái Nguyên: Đánh thức tiềm năng phát triển cây chè ở xã Phú Cường

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân Phú Cường. Hiện nay, do nhu cầu thị trường, xã Phú Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã và đang đẩy mạnh phát triển chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phú Cường tập trung sản xuất chè an toàn.
Phú Cường tập trung sản xuất chè an toàn.

Phú Cường là xã miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Đại Từ. Xã có 5 dân tộc anh em chung sống đó là: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí với trên 1.200 hộ, chia làm 10 xóm. Đất đai ở đây chủ yếu là đồi thấp, ruộng ít, lại không tập trung, trong đó có nhiều ruộng thụt chỉ cấy được 1 vụ, do vậy hiệu quả kinh tế thấp. Đã có lúc, Phú Cường nằm trong tốp nghèo nhất của huyện Đại Từ. Ngay như năm 2012, xã còn đến trên 30% là hộ nghèo, giao thông đi lại toàn đường đất lầy lội, trơn trượt, thủy lợi chưa được đầu tư nên khó khăn chồng chất khó khăn. Trước đây, cây chè cũng đã được trồng ở đồi núi Phú Cường, tuy nhiên do chưa được chú trọng đầu tư, nên hiệu quả thấp.

Những năm trở lại đây, vai trò của cây chè trong phát triển kinh tế ở địa phương ngày càng được khẳng định, được người dân chú trọng đầu tư thâm canh. Các diện tích vườn tạp, soi bãi trồng các loại cây không hiệu quả đã được bà con phá bỏ để trồng chè. Đến nay, toàn xã có 207ha chè, có 7 làng nghề chè và 4 HTX đã cơ bản phủ kín các diện tích đồi thấp và soi bãi, vì thế hiện giờ xã đang đặc biệt tập trung cho việc chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Điều đáng mừng là một số đơn vị đã xây dựng thương hiệu, có sản phẩm OCOP đạt 4 sao như: HTX Chè sạch Quang Minh với các sản phẩm: Phú Ông trà, Phú Minh trà và Phú Hòa trà; hay HTX Chè Phú Cường Bắc đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Sự hình thành các HTX, tổ hợp tác, cơ sở chế biến chè trên địa bàn Phú Cường vừa giúp cho các chủ thể sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, vừa giúp người dân không còn phải phụ thuộc vào thương lái như trước.

Cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất tại xã với giá cả hợp lý, bà con càng ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng chè ngay từ khâu chăm sóc, thu hái. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng xóm kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Na Mấn, vui vẻ nói: Xóm có 108 hộ, toàn bộ đều làm chè. Giờ ai cũng phấn khởi, nhờ cây chè mà đời sống ngày càng khấm khá. Như gia đình tôi, mỗi lứa thu được 3 tạ chè búp tươi, chủ yếu bán cho các cơ sở sản xuất tại xã, giá từ 30-35 nghìn đồng/kg.

Chè từ lâu là cây trồng “mũi nhọn” ở xã Phú Cường (Đại Từ).
Chè từ lâu là cây trồng “mũi nhọn” ở xã Phú Cường (Đại Từ).

Chị Lý Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường, cho biết: Toàn xã có hơn 800 hội viên nông dân, đa phần đều có diện tích trồng chè. Khác với trước, tư duy, thói quen canh tác, chế biến chè đã có nhiều thay đổi. Thay vì đơn lẻ sản xuất, bà con đã bắt tay liên kết với nhau cùng phát triển; tập trung nâng cao chất lượng chè theo quy trình VietGAP, chuyển dần từ bón phân hoá học sáng phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh thảo mộc để trừ sâu thay cho thuốc hóa học.

Cây chè được trồng trên đất Phú Cường từ lâu và phát triển mạnh khoảng hơn chục năm trở lại đây. Hiện, toàn xã có hơn 270ha chè, trong đó chè kinh doanh là 240ha, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. Những năm qua, để giúp người dân “sống khoẻ” từ cây trồng chủ lực này, Hội Nông dân xã triển khai nhiều giải pháp như: Vận động hội viên tham gia vào các HTX, tổ hợp tác và làng nghề chè truyền thống, hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; triển khai 2 dự án về “Cải tạo, chăm sóc chè” cho 25 hộ dân xóm Văn Cường 3 và Na Mấn với tổng nguồn vốn 800 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho bà con; triển khai các mô hình ô mẫu phân bón hữu cơ, hỗ trợ phân bón theo hình theo thức trả chậm, tập huấn khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến chè cho người dân...

PHI LONG