Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay sản lượng, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần trong thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ (05 ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 60 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017).
Với việc áp dụng nhiều giải pháp trong việc trồng và chế biến chè, trong năm 2022, chè Thái Nguyên luôn có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... Sản xuất một số sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao đạt từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Dự báo, nhu cầu sử dụng chè những năm tới tiếp tục tăng, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, theo các chuyên gia, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chè; bảo vệ diện tích đã có; tăng cường thâm canh, chăm sóc, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ, tăng diện tích sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất chè vụ đông để mang lại giá trị sản xuất chè cao nhất.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè đăng ký mã số vùng trồng; tăng cường quản lý nhãn hiệu; tích cực liên kết người trồng với các hợp tác xã, giữa các hợp tác xã thống nhất áp dụng quy trình sản xuất tạo ra khối lượng lớn sản phẩm chè đồng đều về chất lượng nhằm nâng cao giá trị của chè, hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Tỉnh cũng cần rà soát, lựa chọn vùng chè để xây dựng các mô hình sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè.
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh được tham gia các cuộc hội nghị giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè.
Đặc biệt, triển khai mạnh công tác quản lý sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đối với sản phẩm chè trên thị trường. Đẩy mạnh việc nghiên cứu sự phù hợp, khả năng đáp ứng, duy trì các tiêu chí, quy định pháp luật của các quốc gia, thị trường tiêu thụ sản phẩm chè tiềm năng trên thế giới để lập hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên ”.
Đồng thời, cần thiết triển khai các hoạt động văn hoá chè và chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch trong đó tập trung xây dựng mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường về kinh doanh sản phẩm chè; Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về kinh doanh sản phẩm chè. Hướng dẫn hỗ trợ thành lập mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chè.
Hoài Anh