Năm 2024, huyện Phú Lương tiếp tục tập trung các nguồn lực, trong đó triển khai giải ngân và hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, trên cơ sở lồng ghép các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề đã và đang triển khai. Toàn Huyện phấn đấu trong năm giảm thêm từ 400-500 hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời duy trì hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân, chống tái nghèo và tạo sinh kế bền vững.
Bình quân mỗi năm, huyện có trên 2.000 lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề, ưu tiên lao động ở khu vực nông thôn, đồng bào DTTS và những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho gần 600 người, trong đó có trên 70% là người đồng bào DTTS, người nghèo.
Một số nghề được người lao động thường xuyên lựa chọn, như: Kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng chè; chế biến chè, trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng; tin học ứng dụng… Về hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng hóa, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các xóm, xã. Nhờ công tác đào tạo nghề được triển khai tích cực, mỗi năm, huyện Phú Lương giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương, cho biết: Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức gần 20 lớp đào tạo nghề cho khoảng 800 người. Đối tượng được đào tạo trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Các lớp học nghề đã giúp người lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận các mô hình, đề án phát triển sản xuất. Qua các lớp đào tạo nghề, trên 80% số lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tuyển sinh học nghề của nhân dân địa phương và hoàn thiện chương trình các lớp nghề theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo các chương trình mục tiêu quốc gia về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền tại cơ sở về tư vấn giải quyết việc làm, giới thiệu miễn phí cho lao động đi làm việc tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng cho các lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.
Anh Hoàng Văn Tuấn, người dân tộc Tày, ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là một trong hàng trăm người dân ở xã đã được đào tạo nghề làm chè thông qua lớp học của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương tổ chức.
Anh Tuấn chia sẻ: Các lớp dạy nghề đã giúp tôi nâng cao kiến thức, áp dụng quy trình sản xuất, chế biến chè bằng công nghệ khí hóa sinh khối đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời đã áp dụng những kỹ thuật được tập huấn như: Sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc hiêu quả hơn bởi có chuyên gia trưc tiếp hướng dẫn, qua đó giúp tôi thêm kiến thức để nhận diện chính xác và phòng ngừa cũng như trị các loại sâu bệnh trên cây chè được tốt hơn… Gia đình tôi hiện đang trồng và chăm sóc 7000 m2 chè, trước đây người dân quanh tôi làm chè năng suất và chất lượng chè chưa cao, do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn kém hiệu quả, gây lãng phí.
Sau hơn 1 năm được đào tạo gia đình tôi và bà con đã áp dụng theo kỹ thuật nên giá chè búp khô đã tăng từ 150 - 200 nghìn đồng/kg lên 350 ngàn đồng/1kg, điểm nổi bật là tháng 4 năm 2024 gia đình tôi đã phục hồi thêm 4000m2 cây chè trung du cổ chăm sóc sinh thái, không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, qua đó sản phẩm trà trung du cổ vip 1 tôi bán 1,5 triệu đồng trên 1kg, với sản lượng ít nên khách phải đặt hàng trước. Qua áp dụng canh tác có hiệu quả nên sản lượng tăng ước đạt trên 20%, qua đó tạo sinh kế ổn định cho nông dân làm chè ở xã Phú Đô.
Hoàng Tuấn