Thái Nguyên: Phát huy vai trò phụ nữ trong khởi nghiệp với trà hữu cơ

Trong những năm qua, phụ nữ Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần lập thân, lập nghiệp, phát huy ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và phát triển thương hiệu, sản phẩm trà hữu cơ, trà sinh thái, từ đó đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Lê Thị Nhung chủ nhãn hiệu trà Tuấn Nhung nức tiếng tại Phú Đô, Phú Lương (Thái Nguyên).
Chị Lê Thị Nhung chủ nhãn hiệu trà Tuấn Nhung nức tiếng tại Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Từ năm 2019, chị Lê Thị Nhung đã bắt đầu gây dựng thương hiệu trà Tuấn Nhung, trên vùng đất xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái nguyên). Chị luôn trăn trở và tâm huyết với trà sạch nên chị đã tìm cho mình được hướng đi đúng đắn là sản xuất trà hữu cơ, sinh thái, để từng bước nâng cao giá trị cho sản phẩm trà của địa phương. Chị cho biết để thương hiệu được lan tỏa và nhiều người biết đến thì cần có nhãn hiệu nên chị đã quyết định thiết kế logo, nhãn hiệu và nộp đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ, cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ngày 20/6/2023 đã được Cục chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu trà Tuấn Nhung, qua đó chất lượng sản phẩm, thương hiệu của chị đã được khẳng định.

Với lòng nhiệt huyết và trái tim nồng ấm luôn thôi thúc chị không ngừng nỗ lực đi lên. Gia đình chị Nhung hiện có hơn 1 ha cây chè, chủ yếu là giống chè trung du cổ, chè cành LDP1, chè cành TRI 777,…  Để có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, chị đã vận động những hộ dân xung quanh cùng sản xuất trà, qua đó vừa tạo công ăn việc làm, mở rộng diện tích chè, đồng thời nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các sản phẩm trà của thương hiệu Tuấn Nhung rất đa dạng từ dòng trà búp, trà nõn, trà đinh, trà hoa, trà lá, và các sản phẩm kẹo từ trà. Từ đầu năm 2024 gia đình chị đã phục hồi 0,3 ha cây chè trung du cổ, của gia đình đã trồng cây keo trước đó, với diện tích này chị không bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật, mà chị để cây chè sinh trưởng tự nhiên ở trong rừng, rồi thu hoạch về chế biến, đóng gói, và bán online.  Giá trị của sản phẩm trung du trà cổ này rất cao, dao động từ 350 ngàn đến 1,5 triệu đồng cho mỗi kg trà khô.

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong trong kỷ nguyên số chị đã ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thương mại trà, qua đó các sản phẩm trà của chị đều có mã QR và mã số mã vạch giúp cho khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, thông tin nhà sản xuất trên nền tảng số và sản phẩm trà được bán online trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.

Nhãn hiệu trà Tuấn Nhung được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ ngày 20/7/2023 là minh chứng cho sự nỗ lực xây dựng thương hiệu của chị Nhung.
Nhãn hiệu trà Tuấn Nhung được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ ngày 20/7/2023 là minh chứng cho sự nỗ lực xây dựng thương hiệu của chị Nhung.
Chị Lê Thị Nhung, xã Phú Đô, Phú Lương (Thái Nguyên) thu hoạch trung du trà cổ vip, có giá lên đến 1,5 triệu đồng một kg và khách cần đặt trước bởi loại trà sinh thái này có số lượng ít
Chị Lê Thị Nhung, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) thu hoạch trung du trà cổ vip, có giá lên đến 1,5 triệu đồng một kg và khách cần đặt trước bởi loại trà sinh thái này có số lượng ít.
Chị Lê Thị Nhung với bộ trang phục của dân tộc H’mông, tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm trà tại Hà Nội.
Chị Lê Thị Nhung với bộ trang phục của dân tộc H’Mông, tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm trà tại Hà Nội.

Chị Nhung chia sẻ ban đầu mới xây dựng thương hiệu và tổ chức sản xuất trà gặp rất nhiều khó khăn như: kinh nghiệm, nguồn vốn, thị trường… nhưng với quyết tâm, khát khao cống hiến nên tôi đã từng bước vượt qua mọi khó khăn để gây dựng sự nghiệp và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Tôi cũng rất vui khi sản phẩm trà được nhiều người yêu trà trên cả nước đón nhận, tôi đã ứng dụng thương mại điện tử và truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa các hình ảnh, video về các công đoạn trong sản xuất trà hữu cơ, sinh thái. Qua đó đã kết nối được với khách hàng trong 56/63 tỉnh thành của Việt Nam và tạo lập được chỗ đứng trên thị trường như ngày hôm nay.

HOÀNG TUẤN