Thái Nguyên: Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân từ cây chè

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết số 33), TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng xây dựng và phát huy giá trị cây chè và văn hóa trà vùng chè đặc sản Tân Cương theo hướng đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33, qua đó tạo chuyển biến trong xây dựng văn hóa, con người TP. Thái Nguyên văn minh, thanh lịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, động viên hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (ngày 10/1/202
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, động viên hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (ngày 10/1/2023).

Xác định cây chè là sản phẩm mũi nhọn trong trồng trọt, gắn với văn hóa truyền thống, con người địa phương, tháng 8/2021, UBND TP. Thái Nguyên đã ban hành, triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu là ngày càng nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm trà Tân Cương, đồng thời phát triển cây chè, sản phẩm trà gắn với phát huy văn hóa trà và thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó tạo đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững. Sau 3 năm triển khai, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay diện tích đất trồng chè trên địa bàn thành phố đã đạt 1.500 ha (tăng gần 15% so với năm 2021). Sản lượng chè búp tươi đạt trên 22.300 tấn/năm, với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng (tăng gần 10% với năm 2021). Sản phẩm chè Tân Cương được xếp TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Năm 2023, “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” vinh dự được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần ngày càng khẳng định vị thế vùng chè “Đệ nhất danh trà”.

Nhiều hộ dân ở vùng chè Tân Cương thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ kết hợp chế biến thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, để tạo ra các sản phẩm chè xanh cao cấp, với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện, giá trị sản phẩm chè đều tăng từ 10 - 15% so với năm 2021, với chè tôm nõn đặc sản Tân Cương có giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg; chè tôm nõn cao cấp từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg; chè đinh cao cấp từ 3 đến 8 triệu đồng/kg.

Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế, cây chè còn mang lại tiềm năng lớn về phát triển du lịch cho địa phương. Với những nỗ lực của các cấp, ngành và bà con Nhân dân vùng chè, năm 2022, vùng chè Tân Cương đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là Điểm du lịch cộng đồng. Những nương chè xanh mướt trở thành địa điểm check-in độc đáo. Cây chè trở thành sản phẩm du lịch, đem lại lợi nhuận “kép” cho bà con nơi đây. Tính riêng 3 năm gần đây, vùng chè đặc sản Tân Cương đã đón hơn 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử nghề làm chè; nét đặc trưng văn hóa trà; trải nghiệm quy trình trồng, sản xuất, chế biến chè và thưởng thức các loại trà ngon nổi tiếng của địa phương.

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và TP. Thái Nguyên tham gia hái chè tại Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và TP. Thái Nguyên tham gia hái chè tại Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương" xuân Giáp Thìn năm 2024.
Vùng chè Thái Nguyên đệ nhất danh trà.
Vùng chè Thái Nguyên đệ nhất danh trà.

Đặc biệt, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với quảng bá hình ảnh cây chè và trà Tân Cương cũng được tổ chức và duy trì, trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố, như: Tết Nguyên Tiêu, Lễ hội Hương sắc trà xuân, Lễ hội Trung thu xứ trà. Đặc biệt, trải qua 20 kỳ tổ chức, Lễ hội Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương, với nhiều hoạt động đặc sắc, như: Thi hái chè, chế biến chè, quảng bá sản phẩm trà và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... đã mang lại nhiều hiệu quả và tạo sức lan tỏa lớn về hình ảnh đất và người Thái Nguyên tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Từ Lễ hội Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương đã được nhân rộng và nâng tầm, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Thái thông qua các kỳ Festival Trà Thái Nguyên (được tổ chức vào các năm 2011, 2013 và 2015).

Có thể nói, cây chè và văn hóa trà đã trở thành nét bản sắc văn hóa vùng miền, mang giá trị biểu tượng mà ai ai cũng nhớ đến khi nhắc tới vùng đất Tân Cương nói riêng và mảnh đất Thái Nguyên nói chung. Bởi vậy, gìn giữ, phát huy giá trị của cây chè và văn hóa trà đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế chính là sự cụ thể hóa rõ nét, hiệu quả Nghị quyết số 33, trở thành phương châm hành động của Đảng bộ TP. Thái Nguyên, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển.

PHI LONG