Tại làng nghề chè truyền thống xóm 10, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên sau khi đã làm chè an toàn, chè VietGAP, bắt tay vào sản xuất chè hữu cơ.
Được biết, hiện tổ sản xuất chè hữu cơ Núi Chúa xóm 10, xã Tân Linh đang thực hiện dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm chè hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho ngành chè tỉnh Thái Nguyên" với tổng số 51 hộ trên tổng diện tích 10ha.
Tân Linh là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Đại Từ với trên 629ha chè, trong đó có 546ha chè kinh doanh. Cây chè trở thành nguồn thu chính của hơn 1.600 hộ dân, chiếm 98% số hộ trong xã.
Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường (Công ty Núi Pháo) cho biết, việc đồng hành với người dân thực hành và sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ nhằm giúp phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở gây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững, đem lại nguồn thu nhập đảm bảo đời sống người dân. Những năm trước, công ty đã hỗ trợ lên đến 91ha cho gần 400 hộ dân thuộc 14 tổ hợp tác trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Diện tích sản xuất theo quy trình an toàn được công ty hỗ trợ chiếm 21% tổng số chè được chứng nhận của toàn huyện Đại Từ.
Với những kết quả đạt được cộng với những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ huyện mở rộng diện tích chè theo quy trình VietGAP, năm 2019 Công ty tiếp tục hỗ trợ phát triển mô hình chè hữu cơ tại xóm 10 với 51 hộ tham gia trên tổng diện tích 10ha.
Theo đó, phía công ty đã thực hiện kết nối, hỗ trợ xuyên suốt trong thời gian thực hành hữu cơ, trong năm đầu hỗ trợ thành lập vận hành kết nối các đơn vị thu mua đồng hành, hỗ trợ một phần kinh phí để bà con mua phân bón hữu cơ.
Ông Phạm Ngọc Tân, Bí thư Chi bộ xóm 10 khẳng định, cùng với việc phát triển diện tích chè, những năm qua, bà con đã thay đổi tư duy và tích cực chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi sang trồng chè cành như Kim Tuyên, LDP1… Đến nay, toàn xóm có hơn 85% diện tích là các giống chè cành, năng suất chè hiện đạt từ 20 - 25kg/sào. Từ năm 2013, công ty Núi Pháo đã phối hợp với các đơn vị nhà nước tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tham quan học tập, đánh giá chất lượng để cấp giấy chứng nhận chè an toàn theo quy trình VietGAP. Trong 7 năm qua, nhiều hộ trong xóm đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè theo quy trình sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ cũng khá thuận lợi.
Ông Phạm Ngọc Năm, xóm 10, xã Tân Linh cho hay, gia đình ông có gần 2 mẫu chè sản xuất theo dự án, đều là chè lai LDP1, 1 mẫu 20 năm tuổi và 1 mẫu 7 năm tuổi. Trước đây chè nhà ông bán rất tốt, nhưng năm nay khó bán. Đây, lá chè đủ phân bón nó xanh mơn mởn thế này, còn chè "vào hữu cơ" kiểu nó còi xương suy dinh dưỡng, lá vàng vọt, búp cứng. Khi sao khô, cánh chè hữu cơ cũng không xanh đen đẹp như chè thường. Hiện mỗi lứa nhà tôi thu hái sản lượng thấp hơn trước 30%, giá bán cũng thấp hơn 20%, thất thu từ 8-10 triệu so với năm trước.
Ông Nguyễn Quốc Trưởng, 45 tuổi, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè hữu cơ Núi Chúa, xóm 10, xã Tân Linh chia sẻ, các hộ quyết tâm nhất và có diện tích tham gia mô hình hữu cơ nhiều nhất trên dưới 2 mẫu, như nhà ông Trưởng, ông Phạm Ngọc Năm, ông Đỗ Ngọc Việt. Đây cũng là các hộ được đánh giá là làm chè giỏi của xóm, xác định rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là lâu dài và đòi hỏi hết sức kiên trì.
Tuy nhiên, khi chè của đa số các hộ dân sản xuất theo phương pháp cũ năng suất hơn hẳn, chè được bón nhiều phân đủ dinh dưỡng, tươi tốt nên bán được giá. Trong khi chè sạch vừa giảm năng suất vừa hình thức xấu hơn rất khó bán. Thương lái đi thua mua cứ phải chè xanh đẹp họ mới mua, không quá quan trọng "sạch" hay "không sạch". Mỗi lứa chè, mỗi hộ này thiệt hại cả chục triệu đồng so với trước đây. Nếu không tìm được đầu ra cho sản phẩm chè, khả năng cao nhiều hộ quay trở lại làm như trước đây.
Thực tế, hầu hết các hộ trong xóm vẫn sản xuất chè theo thế "chân trong, chân ngoài", như nhà ông Phạm Ngọc Tân, có 3 mẫu chè, chỉ có 8 sào chuyển đổi theo hướng hữu cơ, diện tích còn lại như ông giải thích thì hiện đang nằm ngoài khoanh vùng. Song, ngay trong "khoanh vùng" cũng còn một số bãi chủ hộ không đồng ý chuyển đổi, mặc dù đã được thuyết phục rất nhiều.
Chúng tôi đã thưởng thức sản phẩm chè sạch của gia đình ông Trưởng. Mặc dù hình thức cánh chè không được đẹp, không có độ đanh và màu đen ánh như chè đủ dinh dưỡng, màu nước cũng đỏ hơn, kém trong hơn, nhưng nước chè đúng là "thật nước" và "thơm sâu", rất có hậu.
Ông Trưởng thay mặt các thành viên trong Tổ sản xuất chè hữu cơ Núi Chúa xóm 10 bày tỏ, chè của chúng tôi đã sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn 7 năm qua, nay lại nâng cao lên 1 bước, sản xuất theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thành phần vô cơ, thực sự rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi mong muốn sản phẩm chè đến được với người tiêu dùng, với giá cả hợp lý để bà con nông dân yên tâm làm ra những sản phẩm thật ngon, thật sạch.
Về thực tế trên, ông Đinh Xuân Tuyến (Chủ tịch UBND xã Tân Linh) cho biết, Tân Linh vốn được coi là vựa chè của huyện Đại Từ về mặt năng suất, sản lượng. Các hộ làm chè thuộc tổ Núi Chúa xóm 10 từng trải nghiệm quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và nhận thức rõ hiệu quả bền vững của nó. Vì mới bắt tay vào sản xuất chè an toàn hữu cơ nên sản phẩm chưa được đón nhận. Tuy nhiên, đích đến của bà con không phải ngày một, ngày hai mà thời gian có thể một năm, vài năm với hiệu quả bền vững, lâu dài. Hiện đã có nhiều đơn đặt hàng với giá rất cao cho sản phẩm chè hữu cơ Tân Linh khi đạt chứng nhận. Đó chính là mục tiêu để bà con nỗ lực đoàn kết thực hiện.
Hoài An