Thái Nguyên: Tăng cường đẩy mạnh phát triển sản xuất chè hữu cơ 

Những năm gần đây, với mong muốn khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu chè của địa phương, nhiều hộ dân trồng chè Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Đây được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người trồng chè, sản xuất, chế biến và tiêu dùng cũng như môi trường sống an toàn; đồng thời nâng cao thu nhập, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Trước nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, là một trong những hộ làm chè lâu năm, Anh Nguyễn Thanh Dương, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên luôn trăn trở, tìm hiểu những kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè. Vì vậy, anh đã quyết định chuyển đổi sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Theo đó, cây chè được chăm sóc tỉ mỉ từ khâu trồng và chăm sóc phải đảm bảo theo quy trình, bón phân và phun thuốc sinh học.

Anh Nguyễn Thanh Dương, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Quy trình trồng chè hữu cơ từ chăm bón đến phun thuốc bảo vệ thực vật đều bằng phân hữu cơ và thuốc sinh học thảo mộc an toàn với môi trường".

Cũng là 1 trong những vùng trồng chè lớn, người dân xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã được đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, hệ thống cân, máy hút chân không... Để đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng tốt nhất, nhiều hộ dân xã Phú Đô đã chủ động xây dựng mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ.

Ông Tạ Văn Trường, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ: "Bón phân hữu cơ tôi thấy đất xốp, cây chè sinh trưởng tốt, môi trường thì trong sạch".

Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư, sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic…; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.

Mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn. Ảnh: Sơn Thủy
Mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn. Ảnh: Sơn Thủy

Sở hữu mô hình trồng chè an toàn, hữu cơ, điển hình là hộ gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương chia sẻ: “sản xuất theo quy trình hữu cơ để thấy an toàn cho sức khỏe, sản phẩm được thị trường đón nhận, đây lại là xu hướng chung của nền nông nghiệp... Do vậy, đến nay tất cả hộ gia đình tôi đã ký cam kết sản xuất trà an toàn, hữu cơ”.

Chia sẻ về quy trình sản xuất trà hữu cơ sạch, anh Tuấn cho biết: “Quy trình sản xuất của gia đình tôi hoàn toàn khép kín, từ khâu trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VN 11041-2:2017 không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, không sử dụng chất tạo hương, tạo màu, chất bảo quản cho sản phẩm trà khi được tiêu thụ ra thị trường tới tay người tiêu dùng.

Trà hữu cơ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Tuấn. Ảnh: Sơn Thủy
Trà hữu cơ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Tuấn. Ảnh: Sơn Thủy

Để chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Qua đó có thể thấy sự thay đổi phương thức sản xuất của người làm chè là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để người dân duy trì và thực hiện thành công phương thức sản xuất mới này thì vẫn rất cần những cơ chế, chính sách cùng sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ máy móc, xây dựng thương hiệu cũng như hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó hiện thực hóa việc đưa thương hiệu chè Thái Nguyên bay cao, bay xa hơn nữa.

Sơn Thủy