Được biết, cây chè đã bén rễ ở vùng đất Phú Đô trên 80 năm nay. Trước đây người dân vốn quen với giống chè trung du, tuy trồng với diện tích lớn nhưng giá trị kinh tế không cao và được coi là cây trồng phụ. Nhưng đến nay, chè đã được xác định là một trong hai loại cây công nghiệp chủ lực của địa phương, cũng là cây xoá đói giảm nghèo, làm giàu của người dân nơi đây.
Nói về sự thay đổi này, anh Hoàng Văn Tuấn ở làng nghề chè thuộc xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Vùng chè đặc sản Phú Lương Thái Nguyên này đã nuôi sống biết bao người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Với quyết tâm và ước mơ sẽ làm ra những sản phẩm mang thương hiệu trà hữu cơ sạch Thái Nguyên. Tuấn đã học theo chỉ dạy của bố mẹ và những kiến thức trên sách vở về cách làm trà, kỹ thuật chăm sóc… mà không cần dùng tới phân bón hóa học, hay thuốc trừ sâu như ngày nay”.
Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội ở Phú Đô thời gian qua là xã đã tập trung phối hợp cùng các Công ty để xây dựng và áp dụng mô hình khoa học - kỹ thuật vào việc trồng cây chè, đạt hiệu quả cao. Trước đây cây chè ở xã rất lớn nhưng để áp dụng khoa học kỹ thuật vào thì chưa có nên bà con vẫn sử dụng phân thuốc cỏ, thuốc sâu, hóa học vào chăm sóc cho cây trồng, việc này đặc biệt rất nguy hại cho sức khỏe và môi trường.
Được biết, xã đã khuyến khích người dân tận dụng những diện tích đất đồi, khe lạch, đất bãi bỏ trống để trồng chè; tổ chức cho người dân đi tham quan học tập một số mô hình trồng, chăm sóc, chế biến chè có hiệu quả cao; khuyến khích người dân chuyển đổi từ giống chè bằng hạt sang trồng chè cành (với các giống như: LDP1, TRI 777; Kim Tuyên; Bát Tuyên…) và đặc biệt quan tâm quản lý chặt chẽ chất lượng giống chè. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các làng nghề chè truyền thống để xây dựng thương hiệu chè; quảng bá sản phẩm chè thông qua việc tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm và Festival Trà. Tranh thủ các nguồn vốn từ Chương trình 135, xã ATK hỗ trợ người dân đầu tư hệ thống tưới nước tự động để tăng vụ chè đông. Nhằm nâng cao chất lượng chè, xã định hướng cho người dân trồng, chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư máy móc trong các công đoạn làm đất, chế biến, bảo quản chè. Vì vậy, diện tích chè của xã không ngừng tăng lên.
Chia sẻ việc áp dụng khoa học vào cây chè, anh Hoàng Văn Tuấn cho biết: “Bí quyết để chè ngon và mang hương vị đặc biệt theo Tuấn nằm ở trong chính cái tâm làm nghề của mình. Làm chè là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng, nên người làm trà chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không vội vàng, không lo lắng, vô lo vô nghĩ" hiện tại sản phẩm trà của Tuấn đã được đăng ký mã số, mã vạch (GS1 Viet Nam) và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Nhận thấy sản phẩm chè Phú Đô là sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh sạch được áp dụng những khoa học tiên tiến hàng đầu, để làm sao trong những năm tới tiếp tục khuyến khích bà con nhân dân mở rộng và thay thế những giống chè cũ bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, cùng với đó từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Phú Đô được bà con trong và ngoài nước biết tới sản phẩm Phú Đô hay chè Tân Cương mỗi khi nhắc tới vùng đất Thái Nguyên anh hùng. Ngoài ra, anh muốn quy hoạch lại các khu thành một hệ thống để có thể chăm sóc một cách dễ dàng hơn. Một ước mơ xa hơn nữa là mở cửa vườn chè để mọi người có thể đến trải nghiệm các công đoạn làm chè để thấu hiểu được sự vất vả của người làm trà.
Sơn Thủy