Hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo
Gồng gánh những khắc nghiệt từ thiên nhiên, hàng chục năm qua, đời sống sản xuất của người dân các xã Cát Vân, Cát Tân, Bãi Trành,…, huyện Như Xuân, Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn. Việc trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả cộng với mất mùa, thiên tai khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở những địa phương này luôn chiếm tỷ lệ khá cao.
Để tìm được giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình nơi đây để giúp người dân mang lại thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của mình chính là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương cũng như người dân. Bằng việc chọn cây chè làm chủ lực để thay đổi hướng sản xuất, những năm gần đây, trên mảnh đất cằn cỗi các xã trên đã được phủ màu xanh ngút ngàn của những đồi chè.
Xác định cây chè sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở địa phương, giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Cây chè đã, đang và sẽ trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi này. Chính như vậy mà nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè.
Gia đình bà Hiền, một hộ dân trồng chè ở xã Cát Tân cho biết, trước đây diện tích đất của bà chủ yếu trồng ngô, trồng sắn nhưng nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cây công nghiệp ngắn ngày này không những chỉ trồng theo mùa vụ, mà giá cả lại bấp bênh, năm được mùa thì mất giá, trong khi được giá lại mất mùa khiến cho đời sống bà con nhân dân ở xã chúng tôi rất khó khăn.
Từ khi chuyển đổi từ trồng màu sang trồng chè thu nhập của chúng tôi ổn định hơn, cây chè với đầu ra, giá cả ổn định, lại thu hoạch được quanh năm. Vì thế, cây chè đang được xem là cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính của bà con huyện Như Xuân, Thanh Hóa, giúp bà con nơi đây thoát nghèo.
Trồng chè không những người dân được hỗ trợ từ cây giống, phân bón, mà còn được cán bộ tập huấn các biện pháp kỹ thuật để giúp cây phát triển tốt.
Tại xã Cát Tân, hiện có 106 hộ dân tham gia trồng chè với diện tích gần 33ha. Năm 2022, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia trồng chè trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xã Cát Tân đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân.
Sau khi thành lập, hợp tác xã (HTX) đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của bà con thuận lợi hơn.
Theo các hộ dân trồng chè, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón theo chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung, mở rộng diện tích.
Cây chè trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế
Theo cán bộ xã Cát Tân chia sẻ, cây chè vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nó lại đạt năng suất cao, nên đời sống của bà con nơi đây đã ổn định hơn và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà con nơi đây hiện đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng chè, địa phương cũng đang khuyến khích và hỗ trợ bà con tặng diện tích mỗi năm lên 5-6ha.
Được biết, khi cây chè đến độ thu hoạch sẽ cho mức thu nhập khoảng 30 triệu/ha/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Tuất – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Như Xuân cho biết, Công ty chè Phương Đông, ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), đưa doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) về khảo sát ở huyện Như Xuân, thì thấy tương đối phù hợp để đưa giống chè mới vào phát triển.
“Doanh nghiệp này đang làm thủ tục xin chấp thuận đầu tư để xây dựng một nhà máy chế biến và phát triển vùng nguyên liệu, vì địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp. Do đó, UBND huyện Như Xuân đang lấy Hợp tác xã chè Hữu cơ Thanh Vân làm nòng cốt để tới đây phát triển lại cây chè của Như Xuân, vì hiện nay hợp tác xã này đang phát triển khá tốt”, ông Tuất thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài vào xin phép đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu chè, nhưng trước mắt đang gặp nhiều vấn đề khá khó khăn.
Vì muốn quy hoạch vùng nguyên liệu ở địa phương thì cần một diện tích lớn, trong khi huyện Như Xuân quỹ đất tương đối hạn hẹp, vùng đồi núi bà con lại trồng keo nguyên liệu. Bên cạnh đó, nguồn lao động cũng hạn chế khi số lớn lao động trẻ lại đi nơi khác làm ăn, điều này cũng là một trong những yếu tố quan trọng, khi cây chè chủ yếu thu hoạch bằng thủ công.
Ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết thêm, sau khi về khảo sát, phía doanh nghiệp rất tâm huyết và quyết tâm thực hiện dự án. Bởi lẽ, ở bên huyện Anh Sơn (Nghệ An) không còn quỹ đất thay giống cây chè mới vào trồng, làm chè chất lượng cao, để xuất khẩu đi Đài Loan.
Để giúp người dân phát triển ổn định vùng nguyên liệu chè, UBND huyện Như Xuân ngoài việc hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật, đang có chính sách hỗ trợ người trồng chè, với mức 25 triệu đồng/ha cho các hộ trồng mới.
Về phía doanh nghiệp, họ đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư, để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến chè ở huyện. Hy vọng, đây sẽ là hướng mở cho sự phát triển cây chè, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo”, ông Tuất chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Như Xuân hiện nay có 152,4 ha chè. Trong đó, diện tích trồng chè búp là 32,4 ha, diện tích trồng chè xanh (chè tươi) là 120 ha. Được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Cát Tân, Cát Vân, Bình Lương, thị trấn Yên Cát... Diện tích chè liên kết theo đề án đã trồng được 24,8 ha
Hiện nay giống chè bà con đang trồng là loại chè trung du lá nhỏ, giống chè này có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với chế biến như chè Kim Tuyên, PH8, PH9...
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Thanh Hóa, hiện tại địa phương này đã phát triển được trên 240 ha chè. Cây chè được trồng phân bố rải rác tại 24/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, diện tích chè thu hoạch khoảng 228 ha, với năng suất 68,2 tạ/ha.
Diễm Phước