Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không căn cứ nhu cầu thị trường, điều kiện hoạt động, khai thác vận chuyển của hãng để nghiên cứu và có ý kiến về các nội dung có liên quan theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch sân bay Thọ Xuân.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, các hãng hàng không khác đã khai thác 9 đường bay nội địa kết nối Thanh Hóa với các địa phương gồm Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo.
Được biết, đến nay chỉ còn Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác đường bay Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh, với tần suất 8 - 10 chuyến/ngày. Hãng hàng không Pacific Airline chỉ khai thác các chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Riêng Bamboo Airways sau khi tạm dừng khai thác đến tháng 10, từ giữa tháng 11, hãng này mới trở lại khai thác đường bay Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 3 chuyến/tuần.
Việc nhiều hãng hàng không cắt giảm cả số chuyến bay và đường bay đã khiến cho lượng khách qua sân bay Thọ Xuân giảm sút đáng kể. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, năm 2022 số lượt khách qua cảng hàng không Thọ Xuân là 1,21 triệu lượt. 10 tháng năm 2023, sân bay này đón 1,06 triệu lượt khách và dự kiến trong năm 2023 chỉ có 1,2 triệu lượt khách, giảm khoảng 25% so với năm 2022.
Để phục vụ tốt cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 17/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp, các hãng hàng không khôi phục khai thác các đường bay đang tạm dừng như các chặng: Thanh Hóa - Cần Thơ/Nha Trang/Buôn Ma Thuột/Đà Lạt/Phú Quốc và ngược lại; bố trí các giờ bay đêm và hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân quy hoạch, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung cũng như mục tiêu phát triển của ngành hàng không cả nước.
Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của Cảng Hàng không Thọ Xuân tuy chưa phải là dài nhưng là một hành trình đầy tự hào và đáng nhớ. Trải qua bao gian nan thử thách, ngày hôm nay Hàng không Thọ Xuân đã khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trong lĩnh vực phục vụ hàng không dân dụng.
Thời điểm đáng nhớ nhất là năm 2020, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch trở thành Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Cảng sẽ có chức năng dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp I, khai thác là loại tàu bay code E hoặc tương đương, tổng số vị trí đỗ tàu bay 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Cảng sẽ tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được, tiếp tục phát huy thế mạnh, để Cảng luôn dẫn đầu trong nhóm cảng hàng không văn minh, hiện đại và hội nhập.
Hoài Thanh