Từ đầu năm lại nay số lượng hàng hóa qua lại Cảng Nghi Sơn tăng vọt so với mọi năm. Hiện có 109 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Từ đầu năm lại nay, có 17 doanh nghiệp đăng ký mới làm thủ tục hải quan qua cảng. Ngoài doanh nghiệp có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 doanh nghiệp ngoài tỉnh như Tp.HCM, TP Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, ... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ xuất nhập khẩu về Cảng Nghi Sơn.
Dù trước tình hình kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nhưng Cảng Nghi Sơn vẫn thu hút được các hãng tàu và DN thực hiện XNK qua cảng với tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng đạt tỉ lệ cao (năm 2020 là 41,8 triệu tấn; năm 2021 là 43,03 triệu tấn; năm 2022 là 41,31 triệu tấn), chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh).
Con số thu ngân sách nhờ thuế xuất nhập khẩu qua cảng trong những năm gần cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, hiện nay hệ thống cảng được quy hoạch 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Tính đến nay đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.
Nhờ các chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là Nghị quyết số 248 năm 2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, đã thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống Cảng biển Nghi Sơn.
Ngoài hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn, đầu năm 2023 hãng tàu VIMC cũng mở thử tuyến container quốc tế đến Cảng Nghi Sơn. Hiện các đơn vị khai thác cảng cũng thu hút thành công một số doanhh nghiệp tỉnh Nghệ An xuất khẩu hàng hóa qua đây.
Cụ thể, chính sách từ Nghị quyết 248 đã tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166 năm 2019). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến.
Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31/12/2026.
Chính sách mới từ Nghị quyết 248 ban hành, đã thu hút hãng vận tải CMA CGM quay trở lại thực hiện dịch vụ vận tải tuyến container qua Cảng Nghi Sơn sau 2 năm gián đoạn. Đầu năm 2023, chuyến tàu mang tên Cape Quest có trọng tải 25.000 tấn, tương đương 2.200 TEU của Tập đoàn CMA CGM đã cập Cảng Nghi Sơn để vận chuyển 364 TEU đi Hồng Kông (Trung Quốc).
Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa chở qua cảng chưa lớn. Tàu chủ yếu chở container rỗng. Các doanh nghiệp tại Thanh Hóa cũng chưa thay đổi nhiều thói quen trong vận chuyển hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp có ít hàng, chỉ 1-2 container nên họ vẫn có thói quen chở thẳng ra Hải Phòng.
Sáu tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng container qua cảng biển Nghi Sơn đạt hơn 22,6 triệu tấn, tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng container qua cảng tăng hơn 270 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 114.733 tấn (sản lượng tính theo Teu đạt 7.244 Teu).
Tính tới tháng 6/2023, hãng tàu CMA - CGM đã thực hiện 17 chuyến qua cảng đi quốc tế. Các mặt hàng xuất khẩu qua cảng chủ yếu là bột đá trắng, hạt nhựa nguyên sinh, sắn lát và giấy bìa, phôi thép.
Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng tại khu vực Thanh Hóa có những khó khăn như số hãng và tần suất vận chuyển bằng container qua cảng còn ít. Đồng thời, hàng nhập khẩu chưa nhiều dẫn đến mất cân bằng về container xuất và container nhập nên thiếu vỏ container rỗng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chịu thêm chi phí vận chuyển container rỗng.
Hiện tại, cảng biển Thanh Hóa chưa có cảng container chuyên dùng nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, hãng tàu. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, hệ thống kho vận chưa quy mô và đồng bộ....
Diễm Phước