Để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian qua, UBND huyện Hà Trung đã chú trọng triển khai các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để vừa nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm đã có, vừa tiếp tục phát triển các sản phẩm mới. Huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, Nhân dân và các thành phần kinh tế hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình.
Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì lồng ghép các hoạt động của ngành với việc thực hiện phát triển các sản phẩm của chương trình (từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, khuyến nông, chuyển giao công nghệ); phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; tổ chức tập huấn cho các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh đang có ý tưởng xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ hoàn thiện phương án kinh doanh; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh; quảng bá các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp và các loại hình khác; tổ chức kết nối thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm trong tỉnh và tại các tỉnh trên địa bàn toàn quốc...
Đến nay huyện Hà Trung đã phát triển được 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; riêng 8 tháng năm 2024 đã xây dựng được 4 sản phẩm (đánh giá mới 3 sản phẩm đạt 3 sao gồm: miến gạo An Khang xã Hà Đông; bánh bao, bánh nướng Dương Hoàng, thị trấn Hà Trung; công nhận lại 1 sản phẩm 4 sao là gạo nếp hạt cau Tiên Sơn, xã Hà Lĩnh).
Các sản phẩm tập trung ở nhóm các sản phẩm từ tre, luồng (7 sản phẩm), các sản phẩm nông nghiệp như: gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang, gạo nếp hạt cau Tiên Sơn, gạo Tiên Sơn số 3, bánh lá Hà Lai, mắm tép Hà Yên, chả ốc nhồi ống nứa, ổi lê Quý Hương và các sản phẩm khác như: dầu lạc, kẹo lạc, nấm linh chi, rượu men...
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Huyện Hà Trung xác định phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng tốt những sản phẩm chủ lực và mang tính bền vững. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP để có những giải pháp phát triển sản phẩm và hỗ trợ chủ thể phù hợp”.
Để khẳng định vị trí thứ 2 trên cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả.
Nhiều chương trình đã tạo được dấu ấn và thu hút đông đảo người tiêu dùng, như: Hội chợ kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm an toàn, Chợ sản phẩm OCOP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại khác. Một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, như: Hoằng Hóa, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP. Thanh Hóa...
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.
Hoài Thanh