Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn, đến ngày 25/8/2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn tồn đọng một số mặt hàng như: Chè khô 3.030 tấn, chuối quả 3.000 tấn, đương quy 50 tấn, hoa hồng 450.000 bông, cá (cá chiên, cá lăng, cá nheo, cá rô phi) 141 tấn, cá hồi, cá tầm 52 tấn.
Trong đó, đối với sản phẩm chè: Đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh có 8.461 ha, trong đó chè kinh doanh có 5.970ha với sản lượng chè khô chế biến dự kiến năm 2021 đạt 9.777 tấn. Ước sản lượng chè khô chế biến từ đầu năm đến hết tháng 8 đạt 6.933 tấn; số lượng tiêu thụ 4.688 tấn (bao gồm cả lượng tồn đọng năm 2020); số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ (đến 25/8/2021) là 3.030 tấn.
Được biết, nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ được sản phẩm chè là do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu; giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, thiếu vỏ container để đóng hàng.
Đặc biệt từ đầu tháng 8 năm 2021, tình hình chính chính trị tại Afganistan có sự biến động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu chè, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoãn thời gian giao hàng hoặc hủy đơn hàng dẫn đến số lượng chè sau chế biến tồn kho lớn. Thị trường tiêu thụ nội địa của sản phẩm chè Lai Châu còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các vùng chè truyền thống như: Thái Nguyên, Lâm Đồng…
Tại buổi làm việc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đối với tỉnh Lai Châu, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ. Các doanh nghiệp đầu tư vào trồng chè đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động… Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Trước những khó khăn, vướng mắc mà các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn gặp phải trong xuất khẩu hàng hóa, trong thâm canh vùng nguyên liệu, trong liên kết hỗ trợ giữa các doanh nghiệp… đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hơn lúc nào hết, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Sở Công Thương thành lập nên đầu mối kết nối, rà soát các sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn của thị trường; nên thành lập Hiệp hội nông sản để dùng cơ chế thị trường quản lý thị trường; các doanh nghiệp cần quan tâm thị trường trong nước; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chặt chẽ các hợp đồng trong liên kết sản xuất, vận động người dân chia sẻ với doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn này; tăng cường quản lý thị trường đối với thuốc bảo vệ thực vật…
Đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tìm hướng giải quyết các nông sản tồn đọng. Cụ thể, tỉnh sẽ làm việc với các đơn vị có hạn ngạch xuất khẩu ở Hà Nội để tìm thị trường. Nếu được tỉnh sẽ đứng ra hợp tác với các đơn vị đó.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng doanh nghiệp rà soát cụ thể từng loại mặt hàng, kiểm kê các sản phẩm, số lượng, chất lượng để tìm kiếm thị trường. UBND tỉnh sẽ phối hợp các ngân hàng trên địa bàn rà soát lại để tìm hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tỉnh cũng sẽ thành lập Hiệp hội chè và Hiệp hội xuất nhập khẩu (nằm trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu) để liên kết các công ty, doanh nghiệp tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm chè.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè và các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản khác nói chung, cần chủ động trong việc kinh doanh sản xuất, tìm kiếm thị trường chú trọng đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu chất lượng cao, mục tiêu đưa sản phẩm chè và các nông sản khác vào các thị trường khó tính; chú trọng đến thị trường nội địa và hướng tới thành lập ngày hội văn hóa trà…
Có thể thấy, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, ngành chè tỉnh Lai Châu sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất cho cây trồng chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Hoài Nam