Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên
Trong phân hạng trà, trà đinh chính là phẩm trà ngon nhất. Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên với nguyên liệu được làm từ những lá trà đinh hảo hạng của vùng chè Tân Cương chính là một trong những những phẩm trà ngon nổi tiếng mà bất cứ dân sành trà nào cũng nên thử qua. Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn là phẩm trà đại diện cho đất Việt trong các cuộc thi trà quốc tế, gây được nhiều tiếng vang trên trường quốc tế.
Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên có hương vị độc đáo mang đậm phong vị quê hương. Trà có hương thơm ngọt dịu, bùi bùi, thoang thoảng như hương cốm non. Vị trà chát thanh, kích thích vị giác, đặc biệt là phần đầu lưỡi. Thế nhưng khi uống vào, hậu vị của trà lại có vị ngọt dịu như mật ong rất dễ chịu, thư thái. Sự biến hóa của vị trà “tiền chát hậu ngọt” chính là vũ khí đặc biệt giúp Trà Tân Cương Thái Nguyên chinh phục được dân sành trà trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Trà xanh Tân Cương Thái Nguyên. Cũng giống như những cô gái Tuyên Quang sắc nước hương trời, trà Tân Cương Thái Nguyên đã làm say mê biết bao nhiêu người mỗi lần có dịp thưởng thức nó. “Hương thơm, sắc nước xanh màu/Nhấp môi đắng chát, ngọt sâu hậu bùi…”.
Trà Thái Nguyên là thương hiệu trà phổ biến và nức tiếng là đệ nhất danh trà Việt Nam. Trà Thái mang hương vị đặc biệt, độc đáo nhất không thể lẫn và tìm thấy ở bất kỳ loại trà nào trên thế giới. Hãy một lần thưởng trà Thái và thả hồn theo mây gió lang thang để cảm nhận không gian khoáng đạt của một vùng chè xanh bát ngát, đồi núi chập chùng, líu lo chim hót, róc rách suối chảy và tiếng cá tầm nhảy nhót tung tăng xao động mặt hồ núi Cốc.
Trà Cổ Thụ Tà Xùa Sơn La
Một trong những thập đại danh trà Việt Nam nổi tiếng trên thị trường thế giới phải kể đến chính là Trà Cổ Thụ Tà Xùa Sơn La. Loại trà này không chỉ được giới sành trà săn lùng bởi vị ngon hiếm có mà còn bởi giá trị dinh dưỡng cao, bởi sự công phu và quý hiếm của nó.
Trà Tà Xùa hay còn được gọi với cái tên khác là Shan Tuyết Tà Xùa được liệt vào top 4 trà cổ thụ quý hiếm nhất thế giới bên cạnh Đại Hồng Bào của Trung Quốc. Những cây trà Tà Xùa cổ thụ có tuổi đời hàng chục thậm chí hàng trăm năm hiện nay đang được bảo tồn rất kỹ lưỡng bởi số lượng ít ỏi. Chính vì thế, để thưởng thức được loại trà này cũng là điều không hề dễ dàng.
Trà Xanh Hoàng Su Phì Hà Giang
Trà Xanh Hoàng Su Phì Hà Giang cũng là danh trà Việt Nam được nhiều người biết đến. Không chỉ có vị ngon đặc trưng của vùng núi cao thanh bình, Trà Xanh Hoàng Su Phì còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa và các vấn đề về thần kinh như trị chứng đau đầu, stress, căng thẳng.
Trong đó, Trà Shan tuyết cổ thụ từ núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) được dùng trong các buổi tiếp đãi các vị nguyên thủ quốc gia, shan tuyết là thượng phẩm trà quý hiếm bậc nhất. Cái tên shan tuyết ( nghĩa là “ tuyết trên núi”) bắt nguồn từ sắc trắng tinh khôi như tuyết của lớp lông mao dày trên búp non.
Nước ta chỉ mới phát hiện được một số vùng cao tại Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… và một số nơi khác phân bố rải rác loại trà này. Đây là loại trà mọc hoang, chỉ sống trên núi cao thuộc phạm vi ảnh hưởng của các dãy Hoàng Liên Sơn hay Tây Côn Lĩnh. Cả nước hiện nay chỉ còn khoảng hơn 80 ngàn cây trà. Số lượng trà cổ thụ ngày càng ít đi do già cỗi và sự khai thác quá mức của con người.
Thưởng thức trà shan tuyết ví như ăn mía từ ngọn, qua mỗi lần nước, vị ngọt cứ đậm dần trong cổ. Sau 7 chén trà, chỉ thấy gió thổi vù vù như có cánh bay, tâm hồn lâng lâng bay bổng trên mây, miệng không ngớt ngân nga trà ca Lô Đồng mà đôi tay chừng chưa muốn buông chén, …
Trà Tiên Hà Giang
Trà Tiên Hà Giang hay còn được biết đến là một loại bạch trà, trà trắng. Trà được làm từ những búp trà non thu hái sớm trên những ngọn trà cổ thụ trăm năm tuổi tại đỉnh Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Không giống như nhiều loại trà thông thường khác, Trà Tiên Hà Giang không được thu hái quanh năm mà chỉ được hái trong một thời gian nhất định. Thông thường, trà chín muồi sẽ được thu hái vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
Hồng Trà Redshan Bản Liền Lào Cai
Hồng trà cổ thụ Redshan cũng là một cái tên mà dân sành trà khao khát được thưởng thức. Đây là loại trà đặc sản của vùng núi Tây Bắc, được các chuyên gia trà đánh giá là một trong những loại trà ngon hiếm có.
Hồng Trà Bản Liền có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng như mùi hoa quả chín. Trà khi uống có vị chát nhẹ, thanh mát rất dễ chịu. Hậu vị của trà ngọt tựa mật ong nhưng không quá gắt. Nước trà trong, sánh hơi ngả đỏ trông vô cùng đẹp mắt.
Trà Trắng Bản Liền Lào Cai
Bên cạnh hồng trà Redshan, Bản Liền Lào Cai còn vinh dự có thêm một phẩm trà lọt vào top những thức trà ngon nổi tiếng Việt Nam là trà trắng Bản Liền Lào Cai. Nguyên liệu làm nên loại trà này chính là những lá trà chọn lọc từ cây trà cổ thụ Shan Tuyết Trắng - một cây trà chỉ có ở vùng Bản Liền, Lào Cai. Chính vì thế, đây cũng được xem là “đặc sản” trà riêng biệt của Lào Cai.
Đặc điểm của trà cổ thụ Shan Tuyết đó chính là có độ oxy hóa thấp. Nhờ vậy, vị trà có phần chát dịu, tinh tế. Phần hậu vị của trà cũng nhẹ nhàng như có như không mang đến cảm giác bí ẩn, quyến luyến cho người thưởng trà muốn uống mãi không thôi.
Trà Giằng Pằng Yên Bái
Trà Giằng Pằng Yên Bái cũng là một sản phẩm trà được sản xuất bởi những lá trà thu hái từ những cây trà cổ thụ có tuổi đời trăm năm. Để cho ra đời loại trà này người nghệ nhân phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tâm huyết bởi loại trà này vô cùng “khó tính”, chỉ chấp nhận duy nhất cách làm thủ công, không có sự can thiệp của bất kỳ máy móc công nghệ nào.
Để có lá trà đạt chất lượng, tươi ngon, những người phụ nữ bản địa phải thu hái từ sớm tinh sương. Những cây trà cổ thụ nằm cheo leo trên độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển hấp thu khí trời cho ra hương vị thanh mát rất đặc biệt. Nhấp một ngụm có cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục như được đến với chốn tiên cảnh.
Trà Sen Ngàn Búp Đồng Văn
Trà Sen ngàn búp Đồng Văn từ lâu đã được nhiều người sành trà biết đến là “Đệ nhất danh trà”. Sự kết hợp của trà và “quốc hoa” Việt Nam đã giúp loại trà này mang vị ngon và hương thơm vô cùng đặc biệt.
Trà Sen ngàn búp Đồng Văn được làm vô cùng công phu bởi những nghệ nhân trà lâu năm. Lá trà dùng để làm nên loại trà này được tuyển chọn tỉ mỉ bởi những lá trà nhất trên đồi chè vùng Bản Liền, Lào Cai. Bông sen dùng để ướp trà cũng được quy định nghiêm ngặt, phải là sen bách diệp (sen trăm cánh) Đồng Văn, Hà Nam. Nhờ những nguyên liệu tốt, trà khi uống sẽ có vị chát nhẹ, ngọt thanh, hậu vị giữ lâu vô cùng sảng khoái.
Trà Lài Bảo Lộc
Trà ướp hoa dường như là một “đặc sản” của Việt Nam. Sự kết hợp sáng tạo này đã mang đến cho trà một hương thơm và mùi vị khác lạ. Bên cạnh hoa sen, hoa lài cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo để ướp trà. Trà ướp hoa lài nổi tiếng nhất phải kể đến chính là Trà Lài Bảo Lộc.
Trà lài Bảo Lộc nức tiếng gần xa có nguyên liệu trà được hái thủ công trên đồi chè Bảo Lộc. Trà được các nghệ nhân thu hái từ sớm, tuyển chọn những lá trà non còn ủ hơi sương. Trải qua nhiều công đoạn sơ chế tỉ mỉ đem ướp với những bông hoa lài trắng nhập từ làng hoa Sa Đéc nổi tiếng.
Khi uống có thể cảm nhận được cái thanh mát của những vùng đồi trung du trong lành, lại có thể hưởng thụ được hương hoa ngọt ngào của miền Tây sông nước. Thật sự là một trải nghiệm khiến nhiều người phải nhớ mãi không thôi.
Trà Phú Hội
“Nước Mạch Bà-Trà Phú Hội” là câu thành ngữ của người dân Nhơn Trạch (Đồng Nai) chỉ hai sản vật nức danh nơi đây. So sánh thì hơi khập khiễng nhưng nghe câu ca trên, tôi lại liên tưởng tới Hàng Châu Song Tuyệt: “Suối Hổ Bào- trà Long Tỉnh”.
Dòng nước thiên nhiên Mạch Bà ngày đêm chảy không ngừng tưới tắm cho các đồn điền trà Phú Hội. Các gốc trà ở đây có lịch sử hàng trăm năm, một thời đã bị thất truyền. Phải đến thời gian gần đây, trà Phú Hội mới bắt đầu quay trở lại thị trường. Nhiều vị trà nhân say mê.
PHI LONG