Theo chân đồng bào dân tộc ở Na Hang phát triển kinh tế từ cây chè Shan tuyết

Một trong những loại đặc sản ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) không thể không nhắc đến đó chính là chè Shan Tuyết, giống cây trồng được người dân địa phương tận dụng để phát triển kinh tế. Chè Shan tuyết Na Hang được người dân trồng ở 6 xã khác của huyện Na Hang là Hồng Thái, Sơn Phú, Sinh Long, Thượng Giáp, Thượng Nông, Khâu Tinh với tổng diện tích trên 1.300ha.

Người dân xã Hồng Thái hái chè
Người dân xã Hồng Thái hái chè

Do được trồng ở độ cao 800-1.000 mét so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Hương vị và chất lượng của chè Shan tuyết Na Hang có tính khác biệt so với các sản phẩm chè cùng loại trên thị trường hiện có.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang chủ yếu trồng và khai thác chè Shan tuyết theo phương thức hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ. Từ khi được chính quyền hỗ trợ, người dân nơi đây đã dần thay đổi nhận thức. Đặc biệt, việc tham gia vào các HTX, liên kết để sản xuất đã giúp thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang vươn xa, từ đó đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay tích cực.

Xã vùng cao Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có 316 hộ với 1.539 nhân khẩu. Để đi từ thành phố Tuyên Quang đến trung tâm xã Hồng Thái, phóng viên ; tập chí kinh tế đồ uổng phải mất hơn 5 giờ đồng hồ, vượt qua gần 170km, trong đó có đến 50km đường núi dốc ngược, khúc khủy cua tay áo từ thị trấn Na Hang lên...

Cây trồng chủ lực 

Tiếp chúng tôi, nữ Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái - Đàng Thị Hiền cho biết, cả xã có 316 hộ nhưng chỉ có 01 hộ người dân tộc Kinh từ tỉnh Nam Định lên làm kinh tế, còn lại là 3 dân tộc gồm Dao, Mông và Tày. Bà Thái ví von, đời sống kinh tế và cả văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn như chính con đường đi từ thành phố lên đây.

Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ và chưa hoàn chỉnh. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân còn nhiều hạn chế, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã và lãnh đạo thôn còn thiếu.Để rõ hơn, ông Đàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, những năm trước đây, bức tranh về kinh tế xã hội của Hồng Thái hết sức ảm đạm và buồn vì người dân rất nghèo. Trước năm 2015, xã Hồng Thái là xã 135 đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 65,7%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/người/năm. “Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến một xã vùng cao còn nhiều khó khăn và nghèo”, ông Dũng nói.

Bà Đàng Thị Hiền nói thêm, mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương cũng nhận thấy những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, xã có địa hình cao trung bình từ 800- 1.200m, khí hậu mát mẻ quanh năm, điều kiện khí hậu thời tiết rất đặc biệt, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23-25 độ C, rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất các cây loại cây rau màu xứ lạnh.

"Với những lợi đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tập trung công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế theo chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện", Bí thư Đảng ủy xã cho biết

Theo đó, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình nông thôn mới, Chương trình 134, 135, 30a, cũng như thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh, xã đã tập trung triển khai thực hiện các dự án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Điển hình là cây chè Shan tuyết, cây rau trái vụ, cây lê, chăn nuôi lợn đen địa phương, trồng cây su su, hồng không hạt, rau an toàn, chăn nuôi trâu sinh sản... để tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

Lấy kinh tế HTX làm nòng cốt

Để triển khai tốt việc này, UBND xã Hồng Thái đã tạo điều kiện để 2 HTX tại địa phương là HTX Sơn Trà và HTX nông nghiệp Tân Hợp và các doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển sản xuất chè gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Cây chè Shan tuyết - giống cây trồng chủ lực tại huyện Na Hang
Cây chè Shan tuyết - giống cây trồng chủ lực tại huyện Na Hang

Để hỗ trợ các HTX phát triển, xã còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh, huyện hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm. Tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Tham gia các hội chợ, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Hội nghị lớn ở huyện, tỉnh, thông qua mạng xã hội Zalo, facebook, tổ chức lễ hội… nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Tiếp lời lãnh đạo xã, ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các HTX và thành viên... đến nay chỉ riêng xã Hồng Thái đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó phải kể tới: 3 sản phẩm OCOP 3 sao là rau, bí thơm đạt 3 sao của HTX nông nghiệp Tân Hợp, quả lê 3 sao và 3 sản phẩm chè của HTX Sơn Trà được chứng nhận 4 sao và 3 sao là chè 1 tôm, 1 lá, chè 1 tôm 2 lá…

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế HTX, xã còn tích cực triển khai giới thiệu việc làm, đưa người dân địa phương đi xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Đến nay, xã đã giới thiệu hơn 200 lao động địa phương cho các doanh nghiệp tuyển dụng đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, 40 người xuất khẩu lao động ra nước ngoài tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với thu nhập tư 200 đến 400 triệu/người/năm.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, xã cũng phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Na Hang tổ chức 01 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch có 35 học viên tham gia để triển khai làm du lịch cộng đồng.

Xã cũng tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện sản xuất, gieo trồng theo phương châm “cùng trà, cùng giống, cùng sứ đồng”. Bên cạnh đó, kết hợp khai thác có hiệu quả lợi thế ruộng bậc thang, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa gắn với phát triển du lịch cộng đồng… nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

“Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, bắt đầu là sự hỗ trợ của nhà nước đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động, tích cực thay đổi của người dân. Đến nay, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,3%, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 33,18 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái phấn khởi nói.

Văn Chung