Chè xuất khẩu tới các châu lục chính đều giảm tỷ trọng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, xuất khẩu chè cả nước chỉ đạt 21 nghìn tấn, trị giá 36,7 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý I/2021 đạt 1.599,4 USD/tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt hàng chè xuất khẩu tới các châu lục chính đều giảm tỷ trọng trong quý I/2022, chỉ có xuất khẩu chè tới khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương là tăng tỷ trọng. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là khu vực châu Á, đạt 18,3 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 12,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân tới khu vực này đạt 1.572,3 USD/ tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu sang khu vực này chiếm 78,5% tổng trị giá xuất khẩu chè trong quý I/2022. Mặt hàng chè xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pakistan trong khu vực châu Á, chiếm 46,4% tổng trị giá xuất khẩu chè tới khu vực châu Á.
Tiếp theo là khu vực thị trường châu Âu đạt 2,6 nghìn tấn, trị giá 4,9 triệu USD, giảm 36,2% về lượng và giảm 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, mặt hàng chè xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Mỹ đạt 1,9 nghìn tấn, trị giá 2,9 triệu USD, tăng 54,1% về lượng và tăng 73,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 7,98%, tăng từ mức 4,09% trong quý I/2021.
5 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam là bao nhiêu?
Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu chè trên toàn thế giới, trị giá nhập khẩu chè từ 5 thị trường chính là EU, Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm 2021.
Trong đó, dẫn đầu là thị trường EU, theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2021 nhập khẩu chè của EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2020. Trị giá nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của EU trong năm 2021, đạt 3,9 triệu USD, tăng 48,1% so với năm 2020.
Tiếp đà tăng trưởng mạnh trong năm 2021, tới tháng 1/2022 trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam đạt 370,7 triệu USD, tăng 37,8% so với tháng 1/2021, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của EU.
Mặc dù trị giá nhập khẩu chè từ Việt Nam tăng mạnh, nhưng chỉ chiếm tỷ nhỏ trong trong tổng trị giá nhập khẩu chè của EU, do đó vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam khai thác thị trường này.
Về thị trường Pakistan, với dân số gần 230 triệu người, mức tiêu thụ chè bình quân đầu người ước tính hơn 1 kg/năm, Pakistan là một trong những nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Sản lượng chè tại Pakistan hiện tại ở mức thấp, do đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ chè trong nước chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, trong năm 2021, trị giá nhập khẩu chè của Pakistan đạt 564,4 triệu USD, giảm 0,4% so với năm 2020. Trong đó, Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đạt 8,4 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2020, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu.
Mặc dù, nhập khẩu chè giảm trong năm 2021, nhưng Pakistan vẫn tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam. Sang quý I/2022, nhập khẩu chè của Pakistan đạt 167,8 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,23 triệu USD, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng nhập khẩu chỉ chiếm 0,7% tổng trị giá nhập khẩu.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Chính phủ Pakistan bắt đầu siết chặt việc kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề an toàn sản phẩm để giữ vững thị trường truyền thống này.
Bên cạnh đó, chè của Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan phải đáp ứng một quy định đặc biệt về kiểm soát hàm lượng độc tố aflatoxin trong sản phẩm chè xuất khẩu. Đồng thời, bao bì, nhãn mác phải phù hợp với văn hóa Hồi giáo và có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp. Như vậy, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn và quy định của thị trường Pakistan, chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này.
Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, năm 2021 nhập khẩu chè nước này đạt 506 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 8,3 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2020, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu chè của Hoa Kỳ.
Tính đến 2 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu chè của Hoa Kỳ đạt 71,8 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1,35 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 1,9% tổng trị giá nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Chè là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bởi nhu cầu thị trường lớn, trong khi chè Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần thấp. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam tăng thị phần chè tại thị trường này.
Với thị trường Nga, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, trị giá nhập khẩu chè của Nga trong năm 2021 đạt 443,4 triệu USD, tăng 7,3% so với năm 2020. Nga nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 22,1 triệu USD, giảm 11% so với năm 2020. Tính đến tháng 01/2022, trị giá nhập khẩu chè của Nga đạt 29,4 triệu USD, tăng 19,1% so với tháng 01/2021. Trong đó, nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 1,86 triệu USD, tăng 23,8% so với tháng 1/2021, chiếm 0,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Nga là thị trường xuất khẩu chè quan trọng lớn thứ 2 của Việt Nam, tuy nhiên tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.
Cuối cùng là thị trường Anh, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu chè trong năm 2021 đạt 307,7 triệu USD, giảm 12,2% so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu chè từ Anh đạt 1,8 triệu USD, giảm 31,4% so với năm 2020.
Tính đến 2 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu chè của Anh đạt 64,1 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Anh tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 404 nghìn USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm 2021.
Tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA), mặt hàng chè của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng thị phần tại thị trường này. So với các nguồn cung cấp khác chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Anh như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, các sản phẩm chè của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường này.
Có thể thấy năm qua, thị phần chè của Việt Nam tăng trong tổng trị giá nhập khẩu chè của EU, Pakistan, Hoa Kỳ, nhưng thị phần giảm trong tổng trị giá nhập khẩu của Nga và Anh. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường, xuất khẩu chè năm nay có thể đạt mục tiêu 130.000 tấn. Được biết, cả năm 2021, xuất khẩu chè của ta đạt 126.799 tấn, kim ngạch đạt 213,88 triệu USD, giá trung bình 1.686,8 USD/tấn, giảm 6% về lượng, giảm 1,8% về kim ngạch nhưng tăng 4,6% về giá so với năm 2020.
Hương Trà (t/h)