Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức nào trong giai đoan 2023 - 2024

Thị trường bất động sản hiện nay không hề khủng hoảng mà đây là khó khăn chung của thế giới. Nếu có thì chỉ “khủng hoảng niềm tin” chứ không phải “khủng hoảng thị trường”.

Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức nào trong giai đoan 2023 – 2024.  
Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức nào trong giai đoan 2023 – 2024.  

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, một năm vừa qua, thị trường bất động sản rất khó khăn và thời điểm này là thời điểm rất thuận lợi để bàn thảo những vấn đề về hồi phục bởi các cơ sở để khẳng định điều này đã dần xuất hiện. 

Trong đó, tín hiệu đầu tiên là về kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, năm 2024 - 2025 được dự báo sẽ tốt hơn. Chuyên gia khẳng định "đây không phải là giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản mà là giai đoạn thanh lọc trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới. Nếu có thì bất động sản chỉ khủng hoảng niềm tin chứ không phải khủng hoảng thị trường". 

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn năm 2023 - 2024, thị trường bất động sản đối mặt với 6 rủi ro thách thức.

Thứ nhất, thách thức xuất phát từ bên ngoài còn rất rõ như sức cầu yếu, giảm đà tăng trưởng; lạm phát, giá năng lượng, lãi suất còn cao; rủi ro tài chính - tiền tệ cao và đang giảm dần. Những điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch vào Việt Nam.

Thứ hai, rủi ro về tài chính liên quan đến tỷ giá, chứng khoản trở nên nhạy cảm hơn so với trước. Tín dụng tăng chậm chứng tỏ sức cầu đang yếu, không đủ khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng dẫn đến tín dụng suy giảm.

Thứ ba, đầu tư công tăng tốt nhưng rõ ràng chưa có yếu tố đột phá. Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt câu chuyện tái cơ cấu (pháp lý, tài chính, nhân sự, đơn hàng…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức. 

Thứ năm, thị trường trái phiếu, bất động sản đang phục hồi nhưng không thể phục hồi nhanh mà cần thêm thời gian, đặc biệt niềm tin của nhà đầu tư hồi phục chậm trong khi đây là yếu tố quan trọng.

Cuối cùng, mặc dù tích cực triển khai nhưng quá trình cải cách thể chế vẫn còn chậm so với nhu cầu. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá phổ biến. 

Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức nào trong giai đoan 2023 - 2024 - Ảnh 1

Cũng theo ông Lực, thị trường bất động sản đã và đang phục hồi. Theo đó, dự báo thời gian tới thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, cú hích lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý 1-2024, bởi lãi suất đã và đang giảm; độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó cũng sẽ tốt hơn, đặc biệt với mức độ tường minh khi 4 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý về cơ bản sẽ được xử lý xong trong năm nay; thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra nhận định, dự báo kinh tế quý III năm nay tăng trưởng gần 6%, quý IV khoảng 7,5%. Rõ ràng Việt Nam đang phục hồi quý sau tốt hơn quý trước, tương tự Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác cũng đang trên đà tăng trưởng tốt. Chỉ ngoại trừ Mỹ, sau quý II, kinh tế Mỹ quý III bắt đầu kém đi vì lãi suất còn cao, do đó chính FED cũng có sự điều chỉnh mặc dù họ vẫn quyết tâm duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã bắt đầu tốt lên, lũy kế xuất khẩu tuy vẫn giảm nhưng đang ít dần, sản xuất công nghiệp đang phục hồi: tháng 1 chỉ số âm đến 10%, đến giờ chỉ âm 0,47%.

Về giải ngân đầu tư công, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng đã tăng mạnh trong năm nay, bình quân giải ngân 95% là tăng 25-30% so với cùng kỳ, hiện đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng bổ sung. Thu hút FDI đang phục hồi, đến hết tháng 7 còn âm, nhưng mới nhất, hết 9/2023, vốn đăng ký là 20,2 tỷ đô, tăng 7%, trong khi giải ngân FDI tăng 2,2%. Trong khi thế giới thu hút FDI dự báo khoảng 10% thì sự tăng trưởng này rất đáng quý.

Với doanh nghiệp bất động sản, thị trường hiện tại rất khó khăn nên doanh nghiệp hãy lên tiếng cho trúng và đúng để cùng tháo gỡ. Trong đó, doanh nghiệp cần quyết tâm thanh toán nợ nần; cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, nguồn vốn; minh bạch trong việc quản lý; quản trị rủi ro tốt hơn.

Tiến Hoàng