Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Theo đó, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn vượt mức trên 90%. Nhu cầu hiện diện, mở rộng của các thương hiệu quốc tế trong bối cảnh mặt bằng thương mại chất lượng cao còn hạn chế tiếp tục thúc đẩy giá thuê mặt bằng.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2022. Quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng tầng trệt trong năm 2023 ghi nhận mức tăng khoảng 10% so với quý trước với mức công suất thuê ổn định; thị trường tại TP. HCM cũng ghi nhận sự tăng trưởng với các khách thuê lớn đang dẫn dắt nhu cầu thị trường.
Qua khảo sát tình hình thị trường, VARS dự báo, phân khúc mặt bằng bán lẻ còn rất hấp dẫn với nhiều tiềm năng và dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, do sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số đô thị và thu nhập, tạo ra nhu cầu lớn về BĐS, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Cùng với đó, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa các khu vực đô thị.
Một lý do khác là các khu vực du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng phát triển dài hạn.
Ngoài các lý do trên, người tiêu dùng ở Việt Nam đang trở nên ngày càng thông minh và có nhu cầu cao về trải nghiệm mua sắm. Họ không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng.
Điều này tạo ra cơ hội cho các nhãn hàng bán lẻ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả các trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí và ẩm thực và các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.
Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong tương lai với nhiều dư địa phát triển.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam đến từ sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số, tốc độ phát triển đô thị, đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Bên cạnh đó, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa các khu vực đô thị.
Đây là tiền đề thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nhờ đó, không chỉ các đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM mà các khu vực du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng phát triển dài hạn.
Tiến Hoàng