Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Giang Sỹ chia sẻ: “Được biết, tại thị trường trong nước, trong tháng 5 đầu năm 2020, giá chè có xu hướng biến động giảm. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giảm 10.000 đồng/kg xuống còn 220.000 đồng/kg; chè xanh búp khô giảm 5.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg; chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) giảm 10.000 đồng /kg còn 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.500 đồng/kg. Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm, thị trường chè nguyên liệu trong nước có xu hướng giảm nhẹ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.
“Với những sản phẩm mang thương hiệu “Trà Mật Sâm” của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Giang Sỹ trong mùa dịch COVID-19 cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vậy nên, thị trường trong nước được xem là chỗ dựa cho ngành chè vượt khó” - ông Sỹ cho biết thêm.
Chè là một trong những mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè đạt khoảng 46.000 tấn, trị giá khoảng 72 triệu USD, giảm tới hơn 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Những thị trường truyền thống của Việt Nam như: Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan và Nga gần như đóng băng.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ, điểm đáng chú ý trong “bức tranh” xuất khẩu chè dịp đầu năm nay là Trung Quốc giảm mạnh thị phần trong tổng xuất khẩu chè của Việt Nam.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, tổng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 364 tấn, tương đương 427 nghìn USD, giảm 54,1% về lượng và giảm 87,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, thị phần của nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,7% (xếp vị trí thứ 10), giảm từ mức 11,4% (xếp vị trí thứ 3) trong cùng kỳ năm 2019.
Tính đến cuối tháng 3, dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng tại nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Các thị trường lớn như Đài Loan, Trung Quốc và Nga gần như “đóng băng”. Các thị trường khác không ký được các hợp đồng mới, trong khi các hợp đồng đã ký trước đây được yêu cầu giảm giá sâu, hoãn thời gian giao nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.
Trên thị trường thế giới, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến thị trường chè toàn cầu. Những hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa và nhu cầu giảm đã làm giảm tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia.
Các nhà xuất khẩu đặt giá thầu thấp trong bối cảnh đơn hàng giảm từ các nhà nhập khẩu ở châu Âu do tác động của Covid-19. Tại Ấn Độ, giá chè trung bình trong tháng 3 tại các phiên mở bán của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA) đạt khoảng 1.060 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với tháng trước đó.
Theo dự báo của Hiệp hội thương mại chè Đông Phi, giá chè trên thị trường thế giới sẽ giảm trong thời gian tới do tiếp tục chịu tác động kép từ sự bùng phát mạnh trên toàn cầu của dịch Covid-19 và áp lực dư cung.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu chè sang nhiều thị trường chính vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là Nga, Indonesia và Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu chè sang Nga đạt 6,1 nghìn tấn, tương đương 9,3 triệu USD, tăng 11,6% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; tương tự, xuất khẩu chè sang Indonesia đạt 5,1 nghìn tấn, tương đương 4,5 triệu USD, tăng 36,7% về khối lượng và tăng 29,4% về giá trị; xuất khẩu chè sang Mỹ đạt 2,4 nghìn tấn, tương đương 3 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng và tăng 17% về giá trị.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước hiện có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm. Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu.
Để ngành chè phát triển bền vững, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, phải thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, chủ động đầu tư công nghệ, nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn, đáp ứng những thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Câu hỏi đặt ra, việc đại dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội ảnh hưởng tới việc nghiên cứu cây giống hay việc chuyển giao cây giống ra sao. PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: “Người dân ở địa phương cũng ít di chuyển, vậy nên công việc chuyển giao cây chè cũng tiến hành được. Nhưng phía Viện chỉ thay đổi cách là không tập trung đông người thôi, cùng với đó tăng cường tần suất nên vẫn đến từng hộ nông dân cầm tay chỉ việc được. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 việc giãn cách xã hội chỉ có hơn chục ngày cũng không nhiều, vậy nên người nông dân cũng có ảnh hưởng nhưng nói chung là ảnh hưởng ít hơn so với những ngành nghề lĩnh vực khác”.
Cùng với đó, Hiệp hội Chè Việt Nam cho hay, dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng tại nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các thị trường lớn như Đài Loan, Trung Quốc và Nga gần như đóng băng. Các thị trường khác không ký được các hợp đồng mới, trong khi các hợp đồng đã ký trước đây được yêu cầu giảm giá sâu, hoãn thời gian giao nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.
Sơn Thủy