Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Miếng bánh hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rủi ro?

Các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Phát Đạt (PDR), Kinh Bắc (KBC), CenLand (CRE)… thời gian gần đây liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao.

Báo cáo thị trường TPDN của Công ty chứng khoán SSI cho thấy trong quý 2/2021, thị trường sơ cấp rất sôi động với hơn 164.000 tỉ đồng TPDN được phát hành, gấp 3,7 lần lượng phát hành của quý đầu năm và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm nay, tổng lượng TPDN phát hành là hơn 208.000 tỉ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN BĐS dẫn đầu với lượng phát hành trái phiếu lên tới 92.300 tỉ đồng, chiếm 44,2% tổng lượng phát hành trên thị trường.

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong tháng 8/2021, có tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị đạt 26.077 tỷ đồng, trong đó có 51 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng, trong đó khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Trái phiếu là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng đang thắt chặt và những khó khăn từ dịch Covid-19
Trái phiếu là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng đang thắt chặt và những khó khăn từ dịch Covid-19

Mức tăng trưởng trên cho thấy trái phiếu tiếp tục là kênh hút vốn ưa thích của các doanh nghiệp cũng như tiếp tục là kênh được nhiều nhà đầu tư ưa thích.

Ông lớn hút vốn từ trái phiếu – Nợ vay tăng mạnh

Mới đây, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (MCK – KBC) thông báo đã hoàn tất phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Mục đích huy động vốn là tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con. Hồi đầu năm 2021, Kinh Bắc đã huy động thành công 400 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ để cho các công ty con vay, bao gồm Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.      

Kinh Bắc là đơn vị huy động trái phiếu thường xuyên trong những năm trở lại đây. Trước đó, vào cuối tháng 3, doanh nghiệp cũng huy động 400 tỷ trái phiếu, lãi suất 10,5%/năm. Mặt khác, vào ngày 11/5, Kinh Bắc đã cũng thông qua việc vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 2 năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho công ty con là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Tính đến thời điểm ngày 30/6, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc gần 14.865 tỷ đồng, tăng gần 13% so với đầu năm.

Một cái tên quen thuộc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là Công ty phát triển BĐS Phát Đạt (MCK – PDR). Từ đầu năm tới nay, công ty này đã thông báo phát hành 6 đợt TPDN, nếu đợt phát hành thành công Phát Đạt đã huy động được 1.380 tỷ đồng trái phiếu kể từ đầu năm.

Mục đích phát hành là tài trợ vốn cho các dự án BĐS của công ty này và công ty con ở các dự án như: khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (tỉnh Bình Dương), dự án hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I (TP.HCM)... 

Về khối nợ tại PDR, tính đến 30/6/2021, nợ phải trả đã tăng 12% lên mức hơn 11.647 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản và gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 5.202 tỷ đồng, tăng 19%; nợ dài hạn cũng tăng 7%, lên mức hơn 6.445 tỷ đồng.

Việc nợ phải trả/tổng tài sản trên 50% đồng nghĩa với việc PDR đang phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động. Hơn nữa, nợ phải trả cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của PDR được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Ngoài ra, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) cũng là một trong những ông lớn được nhắc đến trong lĩnh vực huy động trái phiếu. Cụ thể, tháng 3/2021, CRE đã huy động thành công 500 tỷ đồng qua trái phiếu với lãi suất cố định 11%/năm. Mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để mở rộng hoạt động kinh doanh hiện hữu và đầu tư các dự án mới.

Trước đó, Cenland cũng huy động 850 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành trái phếu. Trong đó 450 tỷ đồng được huy động vào ngày 31/20/202o và 400 tỷ động huy động vào tháng 8/2020 qua phát hành 8 lô trái phiếu trị giá 50 tỷ đồng mỗi lô. Như vậy từ năm 2020 đến nay, Cenland đã huy động 1.350 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Theo Cenland, mục đích của phát hành trái phiếu một phần nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để mở rộng hoạt động kinh doanh hiện hữu và đầu tư các dự án mới. Trong năm nay, Cenland sẽ đầu tư vào một phần các căn hộ trị giá 400 tỷ đồng thuộc dự án Tòa nhà Hợp tác xã Thành Công.

Ngoài ra, công ty có kế hoạch trả 400 tỷ đồng nợ vay liên quan đến dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ và trả 112 tỷ đồng nợ vay ngân hàng. Tính tới cuối quý 2, doanh nghiệp đang ôm khoản nợ không hề nhỏ với nợ vay lên đến gần 2.1884 tỷ đồng, tăng mạnh 63% so với hồi đầu năm.

Trong tháng 7, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12%, kỳ hạn 12 tháng. Mục đích phát hành là mua lại phần vốn góp của các cổ đông Công ty CP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, sở hữu lô đất ở Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty CP Glexhomes phát hành 500 tỉ đồng TPDN, Tập đoàn Đất Xanh phát hành 370 tỉ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Các công ty như Sovico, BCG Land, Helios, Vinaconex ... cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Miếng bánh hấp dẫn – cảnh báo rủi ro

Với lãi suất dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm, cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hiện nay nên trái phiếu của các DN BĐS thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ, trái phiếu DN là một khoản vay của DN, có thể được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng thương mại hoặc dựa vào uy tín của chính DN đó hoặc tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính DN phát hành… Thế nhưng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới kinh tế tại Việt Nam hiện nay đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn sẽ là rủi ro với các nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu với lãi suất cao.

Đặc biệt, đối với một số loại trái phiếu được đảm bảo bằng chính cổ phiếu của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc có vấn đề dẫn đến phá sản không thực hiện được trách nhiệm với chủ nợ, cổ phiếu của doanh nghiệp cũng sẽ bị giảm giá rất mạnh hoặc cổ phiếu bên thứ 3 đứng ra đảm bảo cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh, có thể về 0 nên tài sản đảm bảo là cổ phiếu cũng không được đánh giá cao.

Theo chuyên gia Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, trái phiếu là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng đang thắt chặt và những khó khăn từ dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, trong quy luật kinh tế, lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro cao. Có những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không phải là do không vay được vốn ngân hàng, mà đôi khi là do tính toán về cơ cấu nguồn vốn. Tức là họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần để huy động vốn lâu dài.

Do đó, ông Lực khuyên nhà đầu tư, cần phải hiểu rõ, nắm bắt các thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản. Sau đó cần phải nắm rõ về giao dịch phát hành đó, nhất là các điều kiện về lãi suất, về tài sản đảm bảo, về thanh toán gốc và lãi, điều kiện chuyển nhượng, tính minh bạch. 

Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Bộ Tài chính đã 3 lần đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.