Thời cơ của ngành chè với thương mại điện tử và chuyển đổi số

Ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung nhằm từng bước nâng cao vị thế, chất lượng cho nông sản và tăng thu nhập cho bà con nông dân, trong đó ngành chè không phải ngoại lệ. Với Thái Nguyên, địa phương đang dẫn đầu cả nước về quy mô diện tích, sản lượng, chất lượng chè (trà) xanh với 22,3 nghìn ha, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè (trà) được coi là hướng đi mang tính cách mạng.

Thời cơ của ngành chè với thương mại điện tử và chuyển đổi số - Ảnh 1

Ngày 10/4/2024 tại Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức kỷ niệm 78 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 - 11/4/2024). HTX trà an toàn Phú Đô là đơn vị đầu tiên của ngành chè Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng vua chuyển đổi số lần thứ nhất năm 2024.

Theo các dự báo mới nhất, doanh thu Thương mại điện tử (Ecommerce) toàn cầu năm 2025 dự kiến tăng trưởng 70% so với năm 2020, đóng góp 24.5%  vào doanh thu bán lẻ toàn cầu so với mức 17.8%  năm 2021. Tại châu Á, lượng người tiêu dùng qua các kênh số tăng trưởng vượt mức mong đợi, tăng gấp 1,4 lần từ năm 2018. Dự báo đến năm 2025, trung bình người tiêu dùng kỹ thuật số sẽ chi tiêu nhiều hơn 3,5 lần so với năm 2018. (nguồn: Statista. E-commerce worldwide statista dossier).

Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến diễn ra trên mạng Internet. Trong đó, các công ty thương mại điện tử có thể tạo ra một số sản phẩm, dịch vụ hoặc chỉ xây dựng cửa hàng và phần mềm. Còn các công ty khác sẽ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và phân phối sản phẩm của họ.

Chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ mới để thay đổi mô hình từ doanh nghiệp, HTX truyền thống sang doanh nghiệp, HTX số. Thông qua đó, các phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp sẽ thay đổi.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á với thống kê tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến đạt 41%, cao nhất trong nhóm các quốc gia phát triển tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Với mô hình thương mại này, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh trong giai đoạn trung và dài hạn nhờ dân số trẻ, lượng người sử dụng smartphone chiếm tỷ lệ lớn, sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada,… và thói quen giao dịch thương mại điện tử trên smartphone ngày càng trở nên phổ biến.

Để tận dụng tốt nhất xu hướng này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp, HTX ngành chè cần tập trung xây dựng nền tảng vận hành kinh doanh vững mạnh, xây dựng chiến lược áp dụng công nghệ số hỗ trợ cho việc triển khai thương mại điện tử thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của ngành chè nói riêng và GDP của Việt Nam nói chung.

Hoàng Tuấn