Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ NN&PTNT cho hay, trong tháng 7/2023, Bộ đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa Thu Đông, chăm sóc và thu hoạch lúa Hè Thu; chú trọng giải quyết tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản (NLTS); tình hình chăn nuôi lợn khả quan do giá thịt lợn hơi trong tháng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định; tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng; hỗ trợ và khuyến khích ngư dân tích cực bám biển và nghiêm túc thực hiện các định về IUU.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Mấy ngày gần đây giá gạo tăng rất cao, đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác". Theo đó, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg. Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.
Về tình hình sản xuất lúa, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Nguồn cung gạo của Việt Nam sẽ không chịu tác động. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề về tâm lý và giá cả sẽ có sự gia tăng nhất định.
"Sau khi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được. Dự kiến năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực", ông Cường khẳng định.
Tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở ĐBSCL từ 650.000 lên 700.000 ha. "Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội", ông Cường nói.
Liên quan đến việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.
Theo Thứ trưởng, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.
Xung quanh vấn đề Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo có ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam để làm thức ăn chăn nuôi hay không, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, nhu cầu sử dụng cám gạo của Việt Nam không lớn và cám gạo không phải là thành phần quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên thị trường trong nước đã đáp ứng khoảng 4 triệu tấn, nhập khẩu chỉ 0,7 triệu tấn/năm và thành phần trong cám trích ly chỉ chiếm 5-10%.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, có thể thay thế cám gạo bằng cám mì, bởi cám mì có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành phù hợp (6.200 đến 6.500 đồng/kg. "Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi ở trong nước", đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định.
Hương Trà