Các loại trà người Việt Nam dùng không những là thức uống đơn thuần mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Mỗi loại trà có tính chất và tác dụng khác nhau.
Phổ biến nhất là trà xanh, được làm từ cây trà có nguồn gốc ở Trung Quốc. Người Trung Quốc đã biết dùng trà từ 2.500 năm trước Công nguyên, sau đó tới Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
Thành phần chính trong trà bao gồm nhóm hợp chất polyphenol có khả năng ức chế các gốc tự do oxy, do đó có tác dụng chống được các bệnh ung thư và làm chậm quá trình lão hóa. Ngoài ra còn có caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp và tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu. Nhờ đó giúp cơ thể nhanh chóng thải bỏ các sản phẩm thừa của sự trao đổi chất, tăng cường sự trao đổi chất và sự hấp thụ oxy trong cơ thể.
Theo y học cổ truyền, trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu hóa tốt, lợi tiểu, định thần... Dùng ngoài nấu nước ngâm rửa vết bỏng hay lở loét có tác dụng sát khuẩn, chóng lên da non...
Ngoài trà xanh, nhiều gia đình thường có thói quen dùng các loại trà vối. Đây là loại cây mọc nhiều ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta, từ lâu cây vối được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Ngoài ra, theo Đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.
Tiếp đến là trà hoa cúc, cúc hoa còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, hoàng cúc. Thành phần chủ yếu có trong tinh dầu hoa cúc là bisabolol (levomenol), có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và chống vi khuẩn.
Không những vậy, hoạt chất này còn giúp phái nữ sở hữu làn da rạng ngời hơn. Chúng được dùng như thành phần dưỡng da, giúp giảm bong tróc và kích thích quá trình tự phục hồi của da.
Tác dụng tuyệt vời của trà đối với sức khỏe khiến món đồ uống này được mệnh danh là “thuốc tiên của cuộc sống”. Cùng với thời gian, các lựa chọn về trà cũng nhiều lên gấp bội, từ trà xanh, trà vàng cho đến các loại trà thảo mộc.
Trà không chỉ có rất nhiều hương vị mà còn có nhiều cách uống phục vụ các mục đích khác nhau. Nếu trà đen giúp xua tan cảm giác thèm ăn, thì trà xanh lại giúp tiêu mỡ. Trong khi đó trà thảo dược giúp cải thiện khả năng miễn dịch, chống sốt và nhiễm trùng.
Uống trà điều độ sẽ mang lại vô số lợi ích. Trà giúp tăng cường năng lượng, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, tăng lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây hại tim. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần biết thời điểm thích hợp để uống trà.
Uống trà vào buổi sáng: Priya Palan - chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện chuyên khoa Zen (Ấn Độ), nói rằng “Trà kết hợp tanin và cản trở một chút đến việc hấp thụ thức ăn nhưng không đến mức bạn không thể dùng nó như một phần của bữa sáng. Với việc hấp thụ sắt, tôi luôn khuyên rằng chúng ta có thể thêm một số vitamin C để tăng cường hấp thụ nó. Vì vậy, bạn có thể bổ sung thực phẩm kết hợp giúp thúc đẩy sự hấp thụ chất dinh dưỡng”.
Nhiều người chọn uống một tách trà xanh đầu tiên vào buổi sáng để tăng sự tập trung và tỉnh táo. Đặc tính này của thức uống là do sự hiện diện của caffeine, một chất kích thích được thể hiện để tăng cường sự chú ý và tỉnh táo. Nếu bạn có thói quen sử dụng trà xanh vào mỗi buổi sáng thì đây là điều rất tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng bạn hãy nên dùng khi đã ăn sáng trước đó 30 phút. Việc này sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, thức ăn dễ tiêu thụ hơn.
Uống trà sau bữa ăn: Lalwani – một chuyên gia dinh dưỡng tại Ấn Độ cho biết: Trà có chứa axit tannic, phản ứng với hàm lượng protein và sắt trong thức ăn. Kết quả là nó ngăn cản sự hấp thụ các thành phần này. Vì vậy, bạn nên uống trà sau bữa ăn khoảng 15 đến 20 phút.
Tuy nhiên, vì nhiều loại trà yêu thích của bạn có chứa caffein, uống trà thường không được khuyến khích sau bữa tối”.
Thời điểm không nên uống trà: Mặc dù trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nó có thể đi kèm với một số mặt trái.
Có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng trong bữa ăn: Một số hợp chất trong trà có thể liên kết với các khoáng chất trong cơ thể bạn và ngăn chặn sự hấp thụ của chúng. Đặc biệt, tannin là hợp chất được tìm thấy trong trà xanh có tác dụng như chất kháng dinh dưỡng và làm giảm sự hấp thụ sắt.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy epigallocatechin-3-gallate (EGCG) trong trà xanh có thể liên kết với các khoáng chất như sắt, đồng và crom, ngăn cản sự hấp thụ của chúng trong cơ thể bạn.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng uống trà trong bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thụ sắt, điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt theo thời gian.
Do đó, tốt nhất bạn nên uống trà xanh gần các bữa ăn nếu có thể, đặc biệt nếu bạn đang thiếu sắt hoặc các khoáng chất quan trọng khác.
Trước khi đi ngủ: Một tách (237ml) trà xanh chứa khoảng 35mg caffeine. Mặc dù con số này ít hơn nhiều so với khoảng 96mg caffein được cung cấp bởi cùng một lượng cà phê, nhưng nó vẫn có thể gây ra tác dụng phụ ở những người nhạy cảm với chất kích thích này.
Các tác dụng phụ thường gặp của việc tiêu thụ caffeine bao gồm lo lắng, huyết áp cao, bồn chồn và căng thẳng. Caffeine cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ - ngay cả khi tiêu thụ tới 6 giờ trước khi đi ngủ. Do đó, nếu bạn nhạy cảm với caffeine, hãy cân nhắc tránh uống trà xanh cách xa giờ đi ngủ (trước 6 giờ) để ngăn ngừa các vấn đề về giấc ngủ.