Theo thông tin từ Bộ Công an, đã có hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, trong đó gần 1 nửa là lừa đảo qua mạng. Đây là số liệu được Bộ Công an thống kê trong khoảng thời gian 1 năm tính từ tháng 5 năm ngoái đến tháng 5 năm nay. Số vụ lừa đảo tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Thủ đoạn của tội phạm mạng giờ đây không chỉ là đánh vào tâm lý tham lam của nạn nhân, không chỉ nhắm tới đối tượng là người mua hàng mà nay, chiêu thức hoàn toàn mới là lừa những người bán hàng.
Tội phạm giả là người mua hàng rồi chốt đơn để lấy thông tin tên, số điện thoại và số tài khoản của người bán, sau đó soạn tin nhắn giả mạo đã chuyển tiền thành công từ dịch vụ chuyển tiền quốc tế rồi gửi cho người bán mã nhận tiền.
Khi bị hại thắc mắc vẫn chưa nhận được tiền thì đối tượng lừa đảo hướng dẫn click vào link nhận tiền trong tin nhắn, lúc này các đối tượng sẽ nắm được quyền kiểm soát toàn bộ thông tin tài khoản của bị hại để lấy cắp tiền, kể cả mã OTP.
Không còn hoạt động nhỏ lẻ, tội phạm mạng giờ đây đã hình thành theo đường dây. Đầu tiên là nhóm tạo các đường link gắn mã độc để lấy cắp thông tin số tài khoản ngân hàng. Tiếp theo là nhóm sử dụng công nghệ tiếp cận bị hại để lừa đảo và cuối cùng là nhóm rửa tiền.
Toàn bộ tiền của bị hại trong tài khoản, các đối tượng sẽ chuyển sang nhiều tài khoản được mua khác nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Nhóm rửa tiền sử dụng hội nhóm kín trên Telegram để thực hiện việc mua bán tài khoản không do mình đứng tên diễn ra tương đối phổ biến. Có 2 tình trạng: thứ nhất là học sinh, sinh viên hoặc 1 số người sau khi đăng ký mở tài khoản thì ko sử dụng và bán cho người khác, đối tượng sử dụng giấy tờ tuỳ thân không do cơ quan nhà nước cấp hoặc giấy tờ do cơ quan nhà nước nhưng dán ảnh mình vào thay ảnh người khác để mở tài khoản dẫn tới việc cơ quan điều tra truy vết để lần theo dấu vết của nguồn tiền là rất khó khăn.
Trong diễn biến liên quan tới tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tiền trong tài khoản ngân hàng, mới đây Trung tâm Giám sát thuộc Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo hiện có một số trang web giả mạo thông tin các tổ chức nhà nước để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) đề nghị người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm để kịp thời phát hiện và xử lý.
NCSC cũng khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: Giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…
Bảo An (t/h)