Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm NNHC giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm được ký kết vào năm 2019. Thỏa thuận đã góp phần thúc đẩy phát triển NNHC của tỉnh, đồng thời, là cơ sở pháp lý để hai bên hợp tác chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ hữu cơ vi sinh để sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng hệ thống tiêu thụ và phát triển thị trường trên toàn quốc hướng vào các trường học, bệnh viện, nhà trẻ và các khu công nghiệp. Riêng tại Thừa Thiên Huế, đơn vị này đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 siêu thị nông sản hữu cơ.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, các phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải trong chăn nuôi để chế biến phân hữu cơ vi sinh tại nhà, gia trại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Từ năm 2020, công ty đã phối hợp với các HTX xử lý rơm, rạ sau thu hoạch vụ đông xuân ngay trên đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn. Ngoài ra đã xây dựng hàng trăm mô hình ở các địa phương trong việc xử lý rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm vi sinh thành phần hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian hợp tác vừa qua. Kết quả bước đầu đã nói lên được định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh là phù hợp với xu hướng và tình hình thực tiễn, đồng thời cho thấy tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, cần được tiếp tục đầu tư hợp tác để khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác giai đoạn 2022-2026, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Sở NN& PTNT, các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm bám sát các nội dung, nhiệm vụ đã xác định trong biên bản hợp tác để phối hợp triển khai, trong đó cần chú trọng vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Hợp tác mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gồm: Chuỗi giá trị sản xuất các loại gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ và hữu cơ (lợn, bò gà,…); Chuỗi giá trị sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị cây thanh trà và các loại cây ăn quả khác theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị các loại rau, củ quả theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị các loại ngô, đậu tương theo hướng hữu cơ và hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi; Chuỗi giá trị sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hữu cơ như xây dựng cửa hàng, siêu thị để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tối thiểu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1-2 cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, hợp tác xây dựng thôn, làng, bản kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tiến tới xây dựng xã kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tại hội nghị, 8 tập thể và 9 cá nhân đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong hợp tác liên kết mở rộng sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bùi Quốc Dũng