Trên địa bàn huyện có một số mô hình liên kết tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất lúa giống (Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị và các HTX): 15 ha; sản lượng 75 tấn lúa giống ; mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (CTCP tổng Công ty Sông Gianh, CTCP Tổng CT thương mại Quảng Trị và các HTX): 138,8 ha; sản lượng 690 tấn lúa tươi ; mô hình liên kết sản xuất lúa (CTCP Tổng Công ty Sông Gianh và các HTX): 50 ha; sản lượng 250 tấn lúa tươi.
Đối với Chương trình OCOP, trên địa bàn huyện hiện có 10 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể (4 sản phẩm 4 sao; 6 sản phẩm 3 sao). Trong đó có 3 HTX (3 sản phẩm); 2 DN (4 sản phẩm); 3 CSSXKD (3 sản phẩm). Năm 2023 có một số ý tưởng đăng ký vào đã khảo sát có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP gồm: Mật ong Vĩnh Hòa (xã nông thôn mới nâng cao, đã hoàn thiện hồ sơ OCOP), Hương trầm Vĩnh Thủy, Bưởi Vĩnh Thủy, Bột sắn dây Hùng Thịnh Thành, tinh bột nghệ viên mật ong Hùng Thịnh Thành, tinh dầu tràm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực phát triển nông thôn của huyện cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn: Hoạt động của các HTX vẫn chưa thực sự đổi mới, còn nhiều lúng túng, quy mô sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn nhỏ, vốn ít; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất còn thiếu. Trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đa dạng chủng loại sản phẩm mà chủ yếu vẫn tập trung ở sản phẩm lúa gạo; liên kết giữa các bên vẫn chưa mang tính bền vững lâu dài. Số lượng sản phẩm OCOP và số chủ thể tham gia chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm về thủy hải sản; sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Để thúc đẩy phát triển nông thôn của huyện thời gian tới, trọng tâm là lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, liên kết sản xuất, Chương trình OCOP, cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tổ chức rà soát toàn diện hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn để đánh giá thực chất về hoạt động của các Hợp tác xã, từ đó phân loại để có giải pháp chỉ đạo phù hợp, trong đó: Đối với các HTX xếp loại trung bình cần xây dựng phương án nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, mở rộng dịch vụ sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện và làm “trụ đỡ” cho kinh tế nông hộ phát triển. Đối với các HTX yếu kém, ngừng hoạt động đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã lập danh sách, rà soát thực trạng yếu kém của từng HTX để lập phương án giải quyết, không để tình trạng tồn tại hình thức. Hiện nay dư địa phát triển HTX lâm nghiệp trên địa bàn Vĩnh Linh là rất lớn nên cần xem xét phương án thúc đẩy thành lập các HTX chuyên ngành lâm nghiệp bền vững.
Xây dựng lộ trình và định hướng để hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ, hoạt động trên địa bàn thôn để hình thành HTX quy mô lớn hơn, thuận lợi trong quá trình triển khai tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết.
Xây dựng đề án phát triển HTX nông nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong đó, lưu ý củng cố những HTX đã có ở các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 và tích cực vận động thành lập mới ở những xã chưa có HTX nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn đối với tiêu chí số 13. Việc thành lập mới HTX cần có lộ trình cụ thể và giải pháp lâu dài để đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững. Bám sát, hỗ trợ các HTX này hoạt động hiệu quả, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện và duy trì tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới để nắm tình hình và có những giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ trong việc củng cố hoạt động và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp.
Tăng cường triển khai phổ biến các chính sách hỗ trợ thực hiện liên kết như Nghị định 98/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 99/2022/NQ-HĐND; khảo sát, thu thập nhu cầu của các HTX về xây dựng dự án/kế hoạch liên kết. Chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung, sản xuất đồng bộ để phát triển các nhà máy sơ chế, chế biến nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; các HTX chủ động trong việc tìm kiếm thêm các doanh nghiệp thực hiện liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Xây dựng hợp đồng liên kết bền vững, chặt chẽ, nâng cao thời hạn hợp đồng để người dân chủ động trong sản xuất.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP: Rà soát, khảo sát, đánh giá các ý tưởng sản phẩm trên địa bàn, hướng dẫn, khuyến khích người dân đăng ký tham gia nhằm phát huy thế mạnh tại địa phương, đặc biệt là các sản phẩm về thủy hải sản; sản phẩm có quy mô vùng nguyên liệu lớn; sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Phát triển sản phẩm OCOP tại các xã chưa có. Tổ chức thực hiện có trọng tâm, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể và sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chú trọng phát triển sản phẩm mới, nâng cấp các sản phẩm đã được cộng nhận. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; kiểm tra việc thực hiện tiêu chí của các chủ thể OCOP, sản phẩm OCOP đã được công nhận nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, bảo vệ uy tín và phát triển thương hiệu OCOP.
Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị