Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản là xu thế phát triển tất yếu để đổi mới tập quán canh tác truyền thống, qua đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, đưa nông sản Việt nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tựu luôn đi kèm với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là việc nông sản cần bảo đảm yêu cầu quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc. Do đó, thời gian qua, Bộ NN&PTNT từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ Nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự tham gia của hơn 3.964 doanh nghiệp với 16.987 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Tuy nhiên việc phát triển, chuyển đổi số hệ thống truy xuất còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị,… để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, cập nhật các thông tin vào hệ thống còn bất cập.

Bên cạnh đó, việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải đầu tư kinh phí rất lớn. Chưa hết, còn nhiều khó khăn như hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước…

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kiến nghị hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung tương tự như mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu và sớm ban hành bộ tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng... phục vụ việc kết nối, tích hợp vào cổng truy xuất nguồn gốc của bộ.

Bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR chia sẻ về dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam. Dự án đang được triển khai với 40.000 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè. 

Theo đó, Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như nhà cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng phải linh hoạt. Không thể đưa một nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì cũng có thể tiếp cận được.

Hoài Anh (t/h)