Thúc đẩy xuất khẩu chè cùng nhiều nông sản sang thị trường EU thông qua sử dụng C/O mẫu EUR.1

Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, hàng nông sản của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Trong giao dịch thương mại quốc tế, Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ngày càng được sử dụng phổ biến. CO-Certificate of Origin được cung cấp dựa trên Hiệp định thương mại tự do được kí kết đa phương hoặc song phương. Theo đó, đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường châu Âu (EU) và ngược lại, mẫu CO form EUR.1 sẽ được sử dụng theo quy định tại Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Hiện nay, Bộ Công Thương ủy quyền cho 20 cơ quan, tổ chức (bao gồm 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng) được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Thúc đẩy xuất khẩu chè cùng nhiều nông sản sang thị trường EU thông qua sử dụng C/O mẫu EUR.1 - Ảnh 1

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong 11 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 được Bộ Công Thương uỷ quyền đã cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi EU đạt 283,76 triệu USD, chiếm 13,26% kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung sang thị trường này. So với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sử dụng C/O mẫu EUR.1 còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,91% trong tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu sang EU sử dụng C/O mẫu EUR.1.

Mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 nhiều nhất là rau quả, đạt 90,83 triệu USD, tiếp đến là cà phê, đạt 87,33 triệu USD. Mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 ít nhất là chè, đạt 636,4 nghìn USD, và sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt 782,6 nghìn USD.

So với thị trường ưu đãi theo các FTA khác, trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU được cấp C/O ưu đãi đứng thứ tư, sau các thị trường Trung Quốc (3,8 tỷ USD), ASEAN (1,84 tỷ USD) và Hàn Quốc (367,97 triệu USD). Đây đều là những thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống của Việt Nam và các FTA này đã thực hiện trong một thời gian dài, trong khi đó Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi hơn một năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh đó, EU có chính sách bảo hộ đối với sản phẩm nông nghiệp nên tiêu chí xuất xứ chủ yếu áp dụng cho hàng nông sản tại EVFTA là xuất xứ thuần túy. Hàng hoá nông sản của Việt Nam có xuất xứ thuần tuý (Wholly Obtained - WO) theo EVFTA là hàng hoá được trồng, được sinh ra và nuôi dưỡng, được thu hoạch hoặc thu lượm hoặc thu được từ giết mổ động vật, săn bắn tại Việt Nam. Đây cũng là tiêu chí xuất xứ thường thấy đối với hàng nông sản tại các FTA mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài tiêu chí xuất xứ thuần tuý, hàng nông sản cũng được coi là có xuất xứ khi đáp ứng các tiêu chí hàng hoá cụ thể tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng. Tuy nhiên, trong EVFTA có quy định giới hạn về việc sử dụng một số nguyên liệu không xuất xứ như đường, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa hay một số loại ngũ cốc do EU có chính sách bảo hộ đối với những mặt hàng này.

Tiêu chí xuất xứ cụ thể đối với một số mặt hàng nông sản tại EVFTA

Gạo

Hiệp định EVFTA quy định mặt hàng gạo phải có xuất xứ thuần tuý thì được xem là có xuất xứ theo EVFTA. Như vậy, gạo được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là có xuất xứ thuần tuý và đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hoá theo EVFTA.

Trường hợp lúa được trồng tại một quốc gia EU, sau đó nhập khẩu về Việt Nam để xay xát thành gạo và xuất khẩu trở lại EU thì gạo đó vẫn được coi là có xuất xứ theo EVFTA nhưng không phải là xuất xứ thuần tuý. Trong trường hợp này, nguyên tắc cộng gộp xuất xứ đã được áp dụng và lúa có xuất xứ tại EU được coi là có xuất xứ tại Việt Nam.

Một trường hợp khác, lúa được trồng tại Cam-pu-chia sau đó nhập khẩu về Việt Nam để xay xát thành gạo và xuất khẩu sang EU thì gạo đó không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo EVFTA vì không có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam

Chè và Cà phê 

Đối với chè, cà phê và chế phẩm từ chè và cà phê, Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ có mã HS khác ở cấp độ 4 số (Nhóm) so với sản phẩm cuối cùng hay gọi là tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp độ Nhóm.

Riêng các chế phẩm từ cà phê, Hiệp định EVFTA giới hạn tỷ lệ sử dụng nguyên liệu là sản phẩm bơ, sữa, trứng không có xuất xứ là 20%, nguyên liệu đường không có xuất xứ là 40%, hoặc sử dụng kết hợp không quá 50% so với trọng lượng của sản phẩm cuối cùng.

Hạt tiêu 

Hạt tiêu chưa xay hoặc chưa nghiền, đã xay hoặc đã nghiền có tiêu chí xuất xứ tại Hiệp định EVFTA là sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ từ mã HS khác ở cấp độ 4 số (Nhóm) so với sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, hạt tiêu chưa xay hoặc chưa nghiền và đã xay hoặc đã nghiền đều thuộc cùng một mã HS ở cấp độ 4 số (HS 0904) nên không thể sử dụng nguyên liệu từ Nhóm khác để sản xuất.

Do vậy, tiêu chí xuất xứ đối với hạt tiêu theo Hiệp định EVFTA thực chất là tiêu chí xuất xứ thuần tuý. Trường hợp nhập khẩu hạt tiêu có xuất xứ thuần tuý tại một nước thành viên EU về Việt Nam sau đó xay hoặc nghiền thì sản phẩm cuối cùng vẫn được coi là có xuất xứ vì áp dụng nguyên tắc cộng gộp.

Hạt điều 

Đối với hạt điều đã hoặc chưa bóc vỏ, tiêu chí xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định EVFTA là xuất xứ thuần tuý, đồng thời trọng lượng đường không có xuất xứ được sử dụng không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA quy định công đoạn tách vỏ hạt là công đoạn gia công đơn giản, sẽ không được tính đến khi xét xuất xứ của sản phẩm.

Như vậy, trường hợp nhập khẩu hạt điều chưa bóc vỏ từ Cam-pu-chia về Việt Nam sau đó thực hiện bóc vỏ và xuất khẩu sang EU thì hạt điều đã bóc vỏ này không được coi là có xuất xứ theo EVFTA. Hạt điều đã hoặc chưa bóc vỏ đều phải có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam thì mới được coi là đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo EVFTA.

Đối với hạt điều chế biến, Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu hạt điều không có xuất xứ ngoài EU và Việt Nam với điều kiện nguyên liệu đường không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất không vượt quá 20% trọng lượng của sản phẩm.

Sắn và sản phẩm từ sắn

Đối với sắn và tinh bột sắn, tiêu chí xuất xứ hàng hoá áp dụng tại Hiệp định EVFTA là xuất xứ thuần tuý. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn sang EU, nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất phải là sắn có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam để sản phẩm tinh bột sắn được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA.

Cao su và sản phẩm cao su 

Đối với cao su và sản phẩm cao su, Hiệp định EVFTA cho phép lựa chọn áp dụng một trong hai tiêu chí xuất xứ. Thứ nhất, Hiệp định cho phép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ từ mã HS khác ở cấp độ 4 số (Nhóm) so với sản phẩm cuối cùng để sản xuất. Thứ hai, nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất có giá trị không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm. Tiêu chí xuất xứ này có bản chất giống với tiêu chí xuất xứ Hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay được sử dụng tại các Hiệp định ASEAN và ASEAN+.

Điểm khác nhau là tiêu chí RVC tính dựa trên giá trị nguyên liệu có xuất xứ và giá FOB, còn tiêu chí hàm lượng giá trị nguyên liệu tại EVFTA tính dựa trên giá trị nguyên liệu không có xuất xứ và giá EXW.

Rau quả 

Đối với rau quả thô, chưa chế biến, tiêu chí xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định EVFTA là xuất xứ thuần tuý, đồng thời trọng lượng đường không có xuất xứ được sử dụng không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Đối với các chế phẩm từ rau quả, Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu thô không có xuất xứ để chế biến với điều kiện nguyên liệu đường không có xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 20% trọng lượng của sản phẩm cuối cùng. 

Lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và phát triển thị trường tại EU thông qua việc tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng nguyên liệu trong khu vực Hiệp định.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và chế biến nông sản trong nước cũng cần chú trọng vào việc phát triển và khai thác các vùng trồng nguyên liệu trong nước, tăng cường khả năng chế biến sâu để có thể đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuần tuý cũng như các quy định về xuất xứ hàng hoá của Hiệp định EVFTA.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng vào đào tạo nguồn lực có kiến thức về xuất xứ hàng hoá nói chung và quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định EVFTA nói riêng, để có thể sẵn sàng tham gia vào cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá hiện nay cũng như trong tương lai không xa.

Bảo An (t/h)