Theo Bộ Công Thương, Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với tổng trị giá trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6%. Tương tự, sản phẩm phở VIFON được đánh giá là một trong những mặt hàng Việt thành công trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Thái Lan.
Mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau, củ tươi. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện các sản phẩm như thủy sản, rau, quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Nhiều mặt hàng nông sản trái cây tươi đến nay Thái Lan vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Việt Nam. Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được, đơn cử như vải và thanh long.
Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến. Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau, quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD.
Giám đốc chuỗi siêu thị Tops tại Bangkok Market Pimjai Navanukroh cho biết, hệ thống đang nhập khoảng 500 mặt hàng Việt Nam. Đáng chú ý, trái thanh long Việt còn được dành riêng vị trí ngay mặt tiền cửa hàng, bởi đây là loại quả được người Thái đặc biệt yêu thích, do trái cây Việt ngọt chứ không có vị chua như thanh long nội địa. Theo chị Pumipat Chaisom, người tiêu dùng Thái Lan, chị thường xuyên mua đồ Việt Nam và hay mua nhất là cà phê, bởi cà phê Việt Nam rất đặc trưng, hương vị ngon và giá hợp lý.
Theo các chuyên gia, để các sản phẩm Việt Nam rộng đường tiến vào thị trường Thái Lan và có chỗ đứng vững chắc, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược cơ bản như nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp vị bản địa nhưng cũng phải giữ đặc trưng nguyên bản. Chất lượng sản phẩm tốt, hợp vị bản địa nhưng cũng phải giữ đặc trưng nguyên bản.
Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm cần được thiết kế tinh tế, đẹp và chuyển tải được thông điệp để bất cứ ai dùng sản phẩm chỉ cần nhìn bao bì, mẫu mã cũng có thể hình dung được cũng như nhận biết được đây là hàng Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, đa dạng dung tích, khối lượng sản phẩm cũng là điểm cần lưu ý để giai đoạn đầu hàng Việt tiếp cận thị trường, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm gói nhỏ để dùng thử. Từ chỗ dùng thử và cảm nhận, khách hàng sẽ làm quen và chuyển từ dùng thử sang mua và dùng thật..
Bảo An