Thông báo từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), đơn vị cho biết doanh số tiêu thụ năm 2022 khoảng 226 triệu USD, tương đương 5.336 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 340 tỷ đồng tăng lần lượt 3%, 18% so với năm trước.
Năm 2022, Sao Ta đặt mục tiêu 5.290 tỷ đồng doanh thu, 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 1% kế hoạch doanh thu và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận. Tính riêng tháng 12/2022, doanh thu công ty khoảng 11 triệu USD thấp hơn tháng 11 là 3 triệu USD.
Về sản xuất tôm thành phẩm tháng 12 của Sao Ta đạt 1.249 tấn. Lũy kế cả năm giảm 10% so với năm trước (22.790 tấn), tương ứng khoảng 20.511 tấn. Sao Ta cho rằng, sản lượng chế biến giảm chủ yếu ở quý IV do nguyên liệu ít, nuôi tôm bị dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, thích ứng với các biến động khó khăn do lạm phát kéo dài từ cuối năm 2022 đến thị trường trong quý I/2023, cần chủ động các giải pháp để giữ đà tăng trưởng.
Về đích với kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD trong năm 2022, bước sang năm 2023 hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, ngành thủy sản xác định rõ những khó khăn về đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Theo nhận định chung, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, việc giảm khai thác, tăng nuôi trồng những năm qua là cơ sở để trong năm 2022 thủy sản có nguồn nguyên liệu đa dạng như rong biển, cá rô phi, cá mè đã là những đối tượng nuôi mang lại giá trị cao….
Trong năm 2022 số lượng DN xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ tăng mạnh, nếu như trước đây chỉ duy trì 13 DN nhưng đến nay đã tăng gần gấp đôi với số lượng 25 DN. Tín hiệu vui là số lượng các lô hàng xuất khẩu tăng so với những năm trước, nhưng việc cảnh báo về dư lượng hóa chất, kháng sinh ngày càng giảm trong 3 năm trở lại đây. Cũng cần lưu ý các chỉ tiêu về chất lượng như vi sinh, tỷ lệ mạ băng đối với một số thị trường Brazil, Nga có tăng nhẹ, nếu tăng cường giám sát sẽ hạn chế được tình trạng cảnh báo.