Thương mại điện tử - “Bệ phóng” đẩy nông sản bay xa

Việc đưa các sản phẩm nông sản lên nền tảng số là một bước đi cần thiết, giúp mở ra thị trường mới, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương. Nông sản Việt Nam ngày càng được tiêu thụ mạnh mẽ qua các kênh thương mại điện tử tạo ra “bệ phóng” giúp nông sản vươn xa hơn.

Ưu thế của thương mại điện tử

Trong suốt một thập kỷ qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Thương mại điện tử tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân  
Thương mại điện tử tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân  

Nhiều nhận định, năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam phân tích: Thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số ở trong lĩnh vực bán lẻ. Con số thống kê có trên 20 tỷ USD doanh thu bán lẻ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam là chưa đầy đủ nhưng qua đó cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử rất lớn.

Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cũng chia sẻ thêm: Từ năm 2024, trào lưu mua sắm đi kèm với giải trí đã được thể hiện rất rõ. Doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng này để chuyển đổi. Song, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhìn thấy bất cập trong việc không hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số trong công tác phân phối hàng hóa, quảng bá thương hiệu thì sẽ có lúc người tiêu dùng không biết đến họ nữa.

Thương mại điện tử: Cầu nối mới giữa nông dân và người tiêu dùng

Nông dân livestream bán vải thiều  
Nông dân livestream bán vải thiều  

Người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống sang mua sắm qua các nền tảng trực tuyến. Những sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, TikTokShop đã chiếm lĩnh thị trường và trở thành những tên tuổi quen thuộc đối với người tiêu dùng. Điều này tạo ra một cơ hội lớn không chỉ cho các nhà bán lẻ mà còn cho các nhà sản xuất nông sản Việt Nam.

Sự phát triển của thương mại điện tử cũng kéo theo sự ra đời của các sàn thương mại điện tử chuyên biệt dành cho nông sản. Trước đây, nông sản Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ qua các hệ thống phân phối truyền thống như chợ đầu mối và các đại lý, nhưng giá trị của sản phẩm thường bị thổi phồng qua nhiều khâu trung gian. Khi nông sản bước lên các sàn thương mại điện tử sẽ dễ tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn và giảm thiểu tình trạng bị ép giá. Đồng thời giúp người nông dân bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Việc bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, mở ra cơ hội mới để tiếp cận thị trường quốc tế và tăng doanh thu. Đây là cách mà nhiều tỉnh, thành đã và đang thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những câu chuyện thành công điển hình là tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua sàn thương mại điện tử trong giai đoạn Đại dịch Covid-19. Trong khi các phương thức phân phối truyền thống bị gián đoạn, việc tiêu thụ vải thiều qua các kênh thương mại điện tử đã mang lại kết quả ấn tượng, với hơn 4.180 tấn vải thiều được tiêu thụ, trong đó có 130 tấn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Điều này cho thấy sức mạnh của thương mại điện tử trong việc “cứu vớt” những nông sản có tính mùa vụ.

Không chỉ vải thiều, nhiều mặt hàng nông sản khác tại Bắc Giang như dưa lê, khoai sọ, lạc cũng được bà con nông dân đưa lên sàn. Anh Nguyễn Hoàng Long (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi bán đủ thứ trên Facebook, mùa nào thức ấy từ dưa lê, lạc, khoai sọ, vải thiều... Mới đây tôi bán được gần 1 tạ vải thiều và gần 50kg khoai sọ qua Facebook.”

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, ông Nguyễn Gia Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang cho hay, thời gian qua địa phương đã thành công đưa 132 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Cũng áp dụng bán hàng bằng hình thức livestream, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã mời nghệ sĩ Quang Tèo cùng các streamer tổ chức livestream trực tuyến để bán na và đấu giá na, buổi livestream đã thu hút hàng triệu lượt xem. Sau 3 phiên đấu giá trên sàn thương mại điện tử, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng. 

Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) hiện có 9 sản phẩm (trái khóm, bánh khóm, rượu khóm, giấm khóm, nước rửa chén…) đạt OCOP 3-4 sao. Ông Nguyễn Hoàng Chương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din cho biết, ngoài các kênh bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh, hiện hợp tác xã còn tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok; đồng thời chủ động lập website kết hợp với kênh Youtube và cả Facebook cá nhân,.... Ước tính sản phẩm OCOP được tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt từ 40-60% tổng sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã.

"Thông qua nền tảng số, hợp tác xã không chỉ cung cấp thông tin mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cấp sản phẩm và quy cách bán hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường", ông Chương cho biết.

Chính thức bước vào cuộc đua

Có thể khẳng định, các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản ra đời giúp nông sản Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, việc xây dựng một sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để phát triển nông nghiệp số, mang lại giá trị cho bà con nông dân. Sàn sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản hướng tới tiêu thụ nông sản bền vững, kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu rủi ro ùn ứ sản phẩm.

Đồng thời, thông qua việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận và xây dựng niềm tin không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sàn giao dịch này hỗ trợ người nông dân tiếp cận công cụ số, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Mới đây, nongsan.buudien.vn ra đời như một bước đi mới nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt. Các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mà còn được giới thiệu như những món quà biếu cao cấp, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, giúp khẳng định giá trị sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Theo tính toán, mỗi điểm bán hàng có bán kính phục vụ bình quân 2,67 km và đáp ứng nhu cầu của trung bình 6.259 người. Đây là nền tảng tạo nên hệ thống giao dịch nông sản lớn nhất, nhanh nhất và gần gũi nhất với người dân trên cả nước. Không dừng lại ở thị trường trong nước, sàn thương mại điện tử này sẽ từng bước mở rộng sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

Các sàn thươmg mại điện tử phần nào giải quyết được tình trạng “được mùa mất giá” bằng cách kết nối người nông dân với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. Các sản phẩm nông sản vùng miền, sản phẩm đặc sản giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn trở thành sản phẩm xuất khẩu, vươn ra thế giới. Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp kết nối người nông dân với thị trường mà còn thúc đẩy họ cải tiến quy trình sản xuất và đóng gói, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.