Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra tiềm năng lớn cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện từ trở nên phát triển và sôi động hơn bao giờ hết. Việc ứng dụng, xây dựng các kênh phân phối mới đang trở thành một phương pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, tìm cơ hội từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Một trong số đó là phát triển sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, kết nối doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới.

Xu hướng tất yếu 

Phát triển sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu
Phát triển sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu

Tại các thị trường EU, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35 % so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ euro). Có thể nói tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây và vươn ra cả thế giới. 

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT , tăng 31,1%, trong đó nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Trung Quốc qua thương mại điện tử năm giao dịch tăng 16,5 % đạt 570 tỷ NDT. Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3 %/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7 %/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4 %/năm trong giai đoạn 2016-2020)

Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt trong giai đoạn tới, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP sẽ là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam, mang đến nhiều cơ hội cùng thách thức cho doanh nghiệp sản xuất Việt. Trong giai đoạn COVID-19 vẫn còn diễn ra phức tạp trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển vững chắc.

Kênh giao thương mới

Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Tổng cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel - Viettel Post trong vải thiều năm 2021 vừa qua là một mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Với quy mô thị trường thương mại điện tử lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, tận dụng được các thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, để các doanh nghiệp có thể len ​​lỏi vào các trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào chắn và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.  

Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục là kênh hiệu quả cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường nước ngoài. Xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu, dung lượng thị trường là rất lớn. Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống, đồng thời phát huy được những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới 

Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD

Lễ kí kết hợp tác xây dựng "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" vào ngày 30/11
Lễ kí kết hợp tác xây dựng "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" vào ngày 30/11

Mới đây, để tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hợp tác với các đối tác lớn trong và ngoài nước như Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.COM, Vinanutrifood, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Ngân hàng VP Bank ... để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam ” trên sàn thương mại điện tử JD.COM. Đây là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung và trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng do Cơ quan phía Việt Nam (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) chủ trì cùng với các đơn vị và đối tác trong nước triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc hợp tác cùng giữa các đơn vị, các đối tác trong công tác vận hành “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: “Thương mại điện tử là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam, góp phần kết nối trở lại chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang bị đứt gãy do đại dịch, mở đường cho những sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam tiếp tục tiếp cận thị trường quốc tế.

Trước đây, khi cần mua hàng hóa ngoại nhập, người tiêu dùng Việt luôn phải chờ đợi đến khi có doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lại, hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng. Còn hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang TMĐT lớn như Amazon, Ebay, Alibaba…, bất kì ai cũng có thể tiếp cận với hàng tỷ sản phẩm từ vô số nhà cung cấp trên toàn thế giới.

Đối với doanh nghiệp, việc đăng bán trực tiếp trên các trang TMĐT quốc tế thông qua sự giám sát chất lượng của cơ quan quản lý, các trang thương mại điện tử uy tín là cách nhanh nhất để kết nối với khách hàng, tìm thị trường xuất khẩu và đối tác mới. Hình thức này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường với chính thương hiệu của sản phẩm.”

Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc doanh nghiệp ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp.

Hoài An