CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021.
Theo đó, SMC đạt 6.149 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn hàng bán và chi phí lãi vay tăng mạnh đã kéo lợi nhuận sau thuế của SMC giảm 78% xuống còn 34 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết giá cả quý IV có giảm hơn so với quý trước đó song vẫn cao hơn so với quý IV/2020. Tuy nhiên một số nguyên liệu thép dẹt (mỏng) đang phải dự phòng tồn kho nên làm giảm hiệu quả hoạt động.
Lũy kế năm 2021, SMC đạt 21.312 tỷ đồng doanh thu thuần, 903 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 35% và 186% so với năm 2020. EPS cả năm là 14.369 đồng. Đây cũng là con số kinh doanh cao nhất từ trước tới nay của SMC. Biên lợi nhuận gộp cả năm 2021 đạt gần 7%, cải thiện so với mức 5,2% của năm 2020.
Năm 2021, công ty lên kế hoạch doanh thu bán hàng 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, SMC đã vượt 18% chỉ tiêu doanh thu và gấp ba lần mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Theo doanh nghiệp, sản lượng tiêu thụ năm 2021 giảm 6% so với năm 2020 song giá cả tăng nên doanh thu vẫn tăng 35%. Giá cả bình quân tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong thời gian dài và giá vốn bình quân thấp dẫn tới biên lợi nhuận tốt hơn năm 2020.
Quy mô tổng tài sản cuối năm 2021 là 9.020 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm do doanh nghiệp đầu tư nhà máy mới tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tăng lượng tồn kho để đảm bảo cho hoạt động sản xuất được liên tục. Đồng thời doanh nghiệp cũng tăng dư nợ và ngày thu nợ cho những khách hàng lớn, còn lại chủ yếu do giá cả tăng làm giá tồn kho và công nợ tăng theo.
Tổng giá trị hàng tồn kho cuối năm ngoái là 2.672 tỷ đồng, giảm 26% sau một quý và phải trích lập dự phòng gần 112 tỷ đồng. SMC cho hay giá cả sản phẩm thép có chiều hướng giảm ở cuối năm và doanh nghiệp cũng chủ động giảm tồn kho.
Tổng nợ đi vay tại ngày 31/12/2021 là 3.609 tỷ đồng, tăng 380 tỷ sau một quý và chủ yếu là khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Khoản nợ đi vay đang chiếm 40% tổng nguồn vốn và gấp 1,49 lần vốn chủ sở hữu.