Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lãi 333 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2022

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.871,28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 573,97 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 1% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lãi 333 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2022 - Ảnh 1

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC - UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.141,27 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng giá vốn hàng hóa trong kỳ không được tiết giảm khi ghi nhận 4.343 tỷ đồng, tăng tới 116%. Lợi nhuận gộp đạt 798,24 tỷ đồng, chỉ tăng 3%. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 27,8% xuống 15,5%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 34,42 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính tăng tới 288%, lên 88,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 13% và 15%, xuống còn 316,96 tỷ đồng và 66,66 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế 332,27 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.871,28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 573,97 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 1% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 10.903,35 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 14%, lên 558,4 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 46%, lên 454,5 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng 16%, lên 5.179,87 tỷ đồng.

Theo báo cáo "Thương mại thủy sản toàn cầu: Những bên thắng cuộc trong thập kỷ tăng trưởng" công bố ngày 13/10/2022, nuôi trồng thủy sản cao cấp – cụ thể là cá hồi và tôm – là động lực chính tăng trưởng thương mại thuỷ sản toàn cầu. 

Được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại protein lành mạnh và tiện lợi, ngành cá hồi ghi nhận tăng trưởng nhanh kể từ năm 2016. Trong giai đoạn trước đai dịch 2013 – 2019, cá hồi nuôi đóng góp 4,8 tỷ USD vào giá trị thương mại, với EU-27/ Anh và Mỹ đóng góp lần lượt 1,9 tỷ USD và 1,8 tỷ USD. Năm 2020, giá trị thương mại chung giảm 8,4% so với năm 2019 nhưng tăng trưởng trở lại trong năm 2021. EU-27 và Anh tiếp tục giữ vị trí tiêu dùng hàng đầu thế giới về cá hồi trong năm 2021, đóng góp 41% tổng giá trị nhập khẩu. Đồng thời, giá trị nhập khẩu của khu vực này tăng 14%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016. Thị trường Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong cùng năm 2021 khi nhập khẩu cá hồi của thị trường này tăng lên 505.571 tấn, và giá trị nhập khẩu tăng 27% - mức tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ.

Nhà phân tích ngành thủy sản tại Rabobank là Novel Sharma, đồng tác giả báo cáo, cho biết giai đoạn hậu Covid, giá trị thương mại cá hồi tăng chủ yếu do giá cao trong bối cảnh nhu cầu tăng và tăng trưởng nguồn cung hạn chế. Ông Sharma cũng cho rằng mở rộng nguồn cung “sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng thương mại”. Trong khi đó, tăng trưởng thương mại tôm toàn cầu tăng thêm 7,6 tỷ USD từ năm 2013 tới nay, chủ yếu nhờ nhu cầu cao và sự linh hoạt trong mở rộng nhanh công suất để đáp ứng nhu cầu. Trong năm 2021, giá trị thương mại tôm đạt 24 tỷ USD, trở thành loài thủy sản được giao dịch thương mại lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới, tổng cộng chiếm 1 triệu tấn.

Suy giảm 4,8% trong giai đoạn 2019 – 2020, thương mại tôm tăng đột phá trong năm 2021, với lượng và giá trị lần lượt tăng 14% và 19%. Thị trường Mỹ gi nhận giá trị nhập khẩu tôm lên tới 8 tỷ USD trong năm 2021, tăng 24,2% so với năm 2020 và Trung Quốc nhập khẩu 4,8 tỷ USD, nhưng vẫn là mức thấp hơn mức trước đại dịch. “Trong năm 2021, nhu cầu tôm hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tăng tiêu thụ trong các dịch vụ ăn uống, trong khi mức tiêu dùng trong hệ thống bán lẻ vẫn cao”.