Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao. An ninh năng lượng, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa...
Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. Chính vì vậy, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giải pháp thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế… tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế của nước ta tiếp tục đà khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm, cung ứng lao động) được đảm bảo, tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên tốp 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng Việt chiếm lĩnh cả những thị trường mới, xa xôi như Peru, Chilê, Mexico… Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước đã bước đầu tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song, hoạt động xuất khẩu cũng chịu những tác động tiêu cực. Dự báo tình hình thế giới, khu vực trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, gây nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách “zero Covid” ở một số nơi cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng kém thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh này, để tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, ngành Công Thương cần tích cực, chủ động hơn nữa trong nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Trong đó, cần thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khu vực cần chú trọng là Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi.
Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các cam kết, quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương, phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường phi truyền thống cũng như các thị trường lớn “khó tính”. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu để thông tin, kết nối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 thương vụ và chi nhánh. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Đồng thời còn có 1 phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (1 trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc). Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phát huy vai trò xúc tiến, thúc đẩy đầu tư; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp… Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài việc nâng cao chất lượng hàng hóa cũng cần hoàn thiện quá trình sản xuất, thu mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn của các FTA; trong đó lưu ý nguồn gốc, chỉ dẫn hàng hóa... Trong tình hình nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch Covid-19, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn thay thế, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ”…
Với các giải pháp đồng bộ, Việt Nam hướng tới đa dạng thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững hậu Covid-19.
Bảo An