Báo cáo của BMI Research - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions (Anh) nhận định thị trường xe điện tại Việt Nam sẽ trở nên vô cùng sôi động, sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Dự kiến số lượng xe điện chở khách (EV) năm 2023 được bán ra là 18.000 chiếc, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh số bán xe điện chạy bằng pin (BEV) dự kiến sẽ tăng 104,4%, đạt gần 17.000 chiếc. Bên cạnh đó, doanh số xe hybrid cắm điện có thể đạt khoảng 1.100 chiếc trong năm nay.
BMI cũng kỳ vọng rằng, doanh số bán xe điện chở khách tại Việt Nam sẽ tăng trung bình khoảng 25,8%/năm trong giai đoạn 2023 - 2032. Trong đó, tổng doanh số bán hàng năm khoảng 65.000 chiếc. Theo BMI, tỷ lệ thâm nhập của xe điện chở khách so với tổng doanh số bán xe chở khách dự kiến tăng 13,6% vào năm 2030, cao gấp gần 5 lần so với năm 2022.
Tờ International Business Times, nhận định Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu để biến đất nước thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô tô điện của khu vực. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự báo, tỷ lệ sở hữu xe điện có thể đạt 1 triệu vào năm 2028 và lên tới 3,5 triệu vào năm 2040.
Tờ báo này cho rằng, nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn giao thông xanh hơn, khi Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã đề xuất ưu đãi lên tới 1.000 USD cho người mua xe điện. Và đề xuất miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất, dây chuyền sản xuất, linh kiện lắp ráp cho các công ty sản xuất lắp ráp.
Dẫn đầu xu hướng xe điện nội địa tại Việt Nam là Vinfast. Ngày 15-7-2022, Vinfast chính thức công bố dừng kinh doanh xe ô tô chạy bằng xăng, chỉ làm xe điện để bảo vệ môi trường. Trước đó, từ cuối năm 2021, Vinfast đã ra mắt dòng ô tô điện đầu tiên mang tên VF e34. Ngày 14-4-2023, taxi xanh Vinfast bắt đầu lăn bánh trên đường phố Hà Nội với mục tiêu mở ra một kỷ nguyên mới “xanh và thông minh” hơn cho dịch vụ xe công cộng tại Việt Nam.
Cùng thời điểm đó, Vinfast cũng phối hợp với hãng taxi Én Vàng cho ra mắt loạt xe taxi “vàng” chạy bằng điện, chính thức hoạt động tại thành phố Hải Phòng. Mới đây, loạt ảnh dàn “xe ôm công nghệ” chạy bằng điện của Vinfast cũng chính thức “trình làng”, cạnh tranh gay gắt với dòng xe công nghệ chạy bằng xăng truyền thống. Những hoạt động kinh doanh “top trend” của “ông lớn” Vinfast liên tục ra đời cho thấy những tín hiệu mừng về thị trường xe điện. Bên cạnh đó, hãng xe ô tô nổi tiếng Hyundai cũng “bắt sóng” rất nhanh khi cho ra mắt dòng xe Hyundai loniq 5 với gói pin 72 kW/h, có nhiều tính năng vượt trội.
Với vai trò là doanh nghiệp đi đầu và trải nghiệm nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc, VinFast kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, đưa trạm sạc pin trở thành một hạng mục bắt buộc phải có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng đô thị.
Cụ thể là bổ sung quy định bắt buộc “có bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện chạy bằng điện và trạm sạc (nạp) pin” tại các bãi đỗ xe, các công trình công cộng, dịch vụ, các khu chung cư, trung tâm thương mại, các tòa nhà cơ quan nhà nước, khuôn viên nhà máy xí nghiệp. Bổ sung trạm sạc pin, đổi pin cho các phương tiện chạy điện vào các hạng mục bắt buộc phải có tại trạm dừng nghỉ, công trình đường bộ, điểm đấu nối giao thông.
Ngoài ra cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Để bắt kịp xu thế xe điện là tất yếu, quy hoạch đó cần phải đồng bộ mới có sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể làm quy hoạch trước, sau đó các nhà đầu tư thuộc các loại hình khác nhau hay ngay cả Nhà nước cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ thì mới tối ưu được hạ tầng trạm sạc.
Theo lộ trình bán xe ô tô điện đã được các nhà phân tích đưa ra, đến năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm 60% thị phần toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Khi các biện pháp siết chặt khí thải và tăng cường chính sách để kích thích thị trường, cùng với sự tiến bộ công nghệ như vũ bão, viễn cảnh xe điện phủ khắp đường phố sẽ trở thành hiện thực sớm hơn dự đoán. Hiện hầu hết các quốc gia phát triển đều đã tự chủ về công nghệ, sở hữu thương hiệu có tiềm năng cạnh tranh lớn, điển hình là những “gã khổng lồ” trong ngành ô tô điện thế giới như Tesla của Mỹ, SAIC của Trung Quốc hay Nissan Leaf của Nhật.
Tiến Hoàng