Hồ Hòa Bình được hình thành sau khi đắp đập ngăn sông Đà xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình; điều này đã tạo nên một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam trải dài 230 km từ Hòa Bình đến Sơn La. Khu vực lòng hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, trong đó 11 đảo đá vôi có diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất có diện tích 157,5ha.
Đập chính của hồ Hòa Bình nằm tại thành phố Hòa Bình; trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hồ nằm trong phạm vi hành chính của thành phố và 4 huyện là Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Dung tích của hồ Hòa Bình vào khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha.
Tuy hồ Hòa Bình được xây dựng không cho mục đích nuôi trồng thủy sản nhưng với những điều kiện tự nhiên về mặt nước rộng, nguồn nước của hồ chứa sạch, không bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, chất thải và hóa chất công nghiệp... đã tạo nên yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình được hình thành, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch và chất lượng cao cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế.
Nhận thấy tiềm năng của lòng hồ thủy điện Hòa Bình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản – cá lồng ở nơi đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và đặc biệt ở khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Cụ thể, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020. Hay như UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình thực hiện chức năng sự nghiệp khoa học, chuyển giao phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm điển hình tiên tiến đến tận người sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp các thông tin về thị trường hàng hóa nông, lâm, ngư cho nông dân và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư trên địa bàn. Trong việc tỉnh Hòa Bình khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị.
Năm vừa qua, điển hình nhất Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã tham mưu tổ chức thành công và thực hiện Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội nghị chuyên ngành thủy sản toàn quốc chủ đề “Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa”; Khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Tổ chức hội nghị tọa đàm khuyến nông Nông nghiệp chuyên ngành thủy sản chủ đề “Giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà”...
Từ những lợi thế vốn có của lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã có nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hình thức nuôi lồng, bè nuôi gồm lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ, bương, tre, luồng và lồng nuôi cải tiến khung sắt, lưới.
Hiện nay, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh một số loài cá đặc sản. Một số doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình như: Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng, Công ty TNHH Thủy sản Hưng Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh...
Điển hình là Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng ở phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có khoảng 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3 – đây là doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Các loài cá được công ty nuôi chủ yếu là trắm đen, lăng vàng, lăng đen, lăng đuôi đỏ, chép giòn, rô phi...
Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình” là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm cá, tôm được nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Hơn nữa, góp phần tạo điều kiện, tiền để tỉnh Hòa Bình khái thác tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của lòng hồ thủy điện trong hoạt động nuôi cá lồng, thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Anh Vũ - A Trứ - Vũ Cừ/ VP Tây Bắc